image banner

LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

          Được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2023, cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành ra mắt đông đảo bạn đọc với mong muốn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

          Nội dung phần đầu của cuốn sách giới thiệu toàn văn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua vào ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật gồm 6 Chương, 56 Điều “quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) hướng tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

          Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi ban hành các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh. Một số điểm đáng chú ý của Luật như: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm (Sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam); Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình, trong phòng có chống, trong chống có phòng (Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình; sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình); Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (Bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục; quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình); Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) được ban hành đã thúc đẩy bình đẳng giới và tạo môi trường thân thiện, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

          Trước khi khép lại cuốn sách, bạn đọc còn nắm được các nội dung hướng dẫn liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình qua các văn bản như: Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (Kèm theo Quyết định số 1127/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình...

          Hy vọng, qua 179 trang sách, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ như một cuốn cẩm nang bổ ích giúp bạn đọc bổ sung thêm kiến thức và hiểu biết về pháp luật liên quan đến việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.

Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu!

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang