image banner

TIẾNG NÓI CỦA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA TRONG TRUYỆN THƠ NÔM TÀY: NHÂN LĂNG & NÀNG HÁN

Đề tài tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình luôn chiếm một dung lượng lớn trong Kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Điều đó không chỉ biểu hiện triết lý đạo đức, truyền thống trọng tình, trọng nghĩa, đề cao tình cảm gia đình của các thế hệ “con lạc, cháu hồng” mà còn lưu giữ cho nền văn học những tác phẩm giàu cảm xúc và thấm đẫm giá trị nhân văn:

- Hôm nay sum họp trúc mai

Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.

- Thương nhau tạc một chữ tình,

Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau

                                           (Ca dao)

          Với cùng một đề tài, nhưng mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt khác nhau, lồng ghép trong đó là những nét văn hóa, phong tục tập quán, quan niệm sống… làm nổi bật dấu ấn của từng dân tộc thông qua chất liệu văn học dân gian. Chúng ta cùng khám phá đời sống tình cảm, tiếng nói dân gian của đồng bào Tày về tình yêu đôi lứa thông qua hai truyện thơ nôm Nhân Lăng, Nàng Hán.

          “Nhân Lăng” là truyện thơ khuyết danh ghi chép bằng chữ Nôm Tày; sản sinh trong xã hội phong kiến nhưng tác phẩm không bị những quan niệm lễ giáo phong kiến chi phối mà trái lại mang hơi hướng của sự tự do, bình đẳng nhất là trong tình yêu, tình bạn cũng như mối quan hệ hôn nhân. Nhân vật chính là chàng Nhân Lăng nghèo khó nhưng hiếu thuận, luôn “mình vì mọi người” mà sẵn lòng giúp đỡ.

          Xuyên suốt câu chuyện là hành trình “đi tìm lời giải” cho những băn khoăn về cuộc sống của chàng trai Nhân Lăng, trên hành trình ấy tác giả dân gian đã khéo léo bồi đắp những tuyến nhân vật xung quanh để làm nổi bật tinh thần của câu chuyện. Đó là sự cao thượng, trượng nghĩa, giàu lòng nhân ái dù không được đáp lại trong tình yêu nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ, không hề tính toán, không nghĩ đến sự trả ơn, đền đáp. Truyện Nhân Lăng phản ánh những tấm lòng vàng trong tình yêu:

“Không có gì kim ngân của quý

Em lấy áo cho sĩ dương gian…

Áo này gọi là đãi chút ơn

Không lấy áo tiên nữ trên trời

Miễn có lòng thương tôi khi khác

Nặng nghìn vàng man mác đôi ta”.

          Cũng lấy chủ đề tình yêu đôi lứa làm trung tâm, truyện nàng Hán lại tập trung làm nổi bật nhân vật người phụ nữ tài giỏi, mạnh mẽ trong tình yêu và hôn nhân. Là người con gái đẹp, con nhà giàu sang:“Chốn kinh đô có lắm người sang/ Trầu cau tới nhưng nàng vẫn trả”, nàng Hán muốn có cách đi tới tình duyên khác thường, trái ngược lại với quan niệm xưa cũ: “Bướm tìm hoa chứ đời nào hoa tự bứt khỏi cành để đi tìm bướm”. Sự táo bạo, tinh thần luyến ái tự do, chủ động của nàng Hán đã tạo nên một hình tượng đẹp về người con gái ở lầu hồng khuê các yêu tha thiết anh học trò nghèo đi ở đợ chăn trâu, và tình yêu ấy đã “đơm hoa kết trái”. Tác giả dân gian còn tiếp tục đặt hai vợ chồng nàng Hán vào hoàn cảnh chia cách, chiến tranh để đề cao phẩm chất, lòng thủy chung trong tình yêu, hôn nhân:

“Công nàng đã có bụng ba xuân

Giữ tiết chốn cung ngân cảnh lạ

Ở yên lòng hầu hạ thiên nhan

Cho nàng xuống trị an dương thế

Phật giao phép thượng đế thần thông

Biến hóa tựa mây rong mây tỏa

Trạng nguyên nơi thủy phủ Long Vương

Tình vợ chồng yêu đương dằng dặc”

          Hình ảnh nàng Hán cự tuyệt với chúa Ngô Cương khi bị ép làm vợ, chiến đấu, cứu chồng khỏi thủy phủ, trí dũng, mưu lược chống lại quân ngoại bang, một lòng thủy chung son sắt là hình mẫu được ca ngợi trong tâm thức dân gian cách đây hàng nghìn năm, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị biểu trưng cho hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại: Thông minh, tự chủ, kiên định lẽ sống, sẵn sàng chống lại cường quyền; đầy trách nhiệm và tình yêu thương.

          Với nghệ thuật kể chuyện bằng thơ rất gần gũi với đại chúng nhân dân, có nhiều màu sắc dân tộc, có âm hưởng của ca dao và nhiều hình ảnh đẹp của vùng miền núi, đại diện truyện thơ nôm dân tộc Tày Nhân Lăng và Nàng Hán được in chung trong cuốn “ Nhân Lăng & nàng Hán truyện thơ Nôm Tày” là tiếng nói đầy chất nhân văn của đồng bào Tày về tình yêu, hôn nhân đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến xưa. Truyện sáng tạo bằng những câu thơ có vần điệu trên phông nền tư tưởng đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời làm nổi bật được nét văn hóa riêng có của đồng bào Tày đã đi vào dân gian một cách tự nhiên nhất và có sức sống cho đến ngày nay. Tác phẩm được đón nhận và yêu mến từ  những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến những bạn đọc yêu thích tìm hiểu, khám phá, góp phần lưu giữ và bảo tồn giá trị truyền thống của đồng bào Tày nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

          Sách do tác giả Hoàng Quyết, Triều Ân sưu tầm và dịch thuật, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2014, hiện đang được lưu giữ và phục vụ tại kho Địa chí - Thư viện tỉnh Sơn La. Trân trọng giới thiệu!

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang