image banner

Thành phố Sơn La – những bước chuyển mình
Sơn La, núi rừng tây bắc đại ngàn.
Đường mới thênh thang lượn quanh bao đồi núi.
Nơi đây, xuân về nắng mới ngập tràn.
Rừng xanh yêu thương nên hoa ban càng đẹp xinh.

Sơn La, thành phố hoa ban tỏa sáng.
Bao công trình mới mọc lên, kia nhà sàn bên sườn núi.
Quê ta, điện sáng lung linh cuộc sống yên vui.
Bên nhau xây tình đoàn kết…
                                                                                                  (Sơn La - thành phố hoa Ban - Bùi Khắc Bạo)
          Những ngày tháng Mười dịu dàng tỏa xuống dòng người tấp nập, hối hả nơi phố thị, nghe bài hát “Sơn La thành phố hoa ban” trên loa phát thanh như khiến lòng người trải rộng hơn, lắng mình hơn để tận hưởng bầu không khí yên bình trên quê hương - Thành phố Sơn La 15 năm tuổi.
          Ai đi xa lâu ngày trở về, chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thành phố Sơn La hôm nay, vẫn những dãy núi bao quanh dòng suối hiền hòa, vẫn những nếp nhà sàn đứng cạnh nhau tựa lưng vào núi nhưng không gian như đã được khoác lên mình tấm áo mới bởi cảnh quan đô thị hiện đại, bởi những công trình, con đường mới khang trang... Thành phố Sơn La – một thành phố mang đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Bắc đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, thực sự là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Sơn La.
          Cách đây 15 năm, ngày 26/10/2008, nhân dân thành phố hân hoan, tưng bừng tổ chức Lễ công bố Nghị định số 98/2008/ NĐ-CP của Chính Phủ về việc thành lập thành phố trực thuộc tỉnh Sơn La, thành phố trẻ đầy khí thế với biết bao dự án, công trình mang trong mình niềm hy vọng về một tương lai khởi sắc cho đồng bào nơi đây. Và ngày hôm nay, những “trái ngọt” từ biết bao mùa vun xới, biết bao mồ hôi công sức của các thế hệ đã được trao đến tay cư dân thành phố. Trong không khí hân hoan của những ngày tháng Mười hướng tới kỷ niệm 62 năm ngày thành lập thị xã Sơn La và 15 năm ngày công bố quyết định thành lập thành phố Sơn La 26/10, chúng ta cùng nhìn lại những dấu mốc thay đổi đáng nhớ trong lịch sử của thị xã Sơn La - thành phố Sơn La yêu dấu.
          Thị xã Sơn La từ châu Mường La chia ra. Châu Mường La trước đây có 5 mường Phìa: Mường Phìa Mường La hay Chiềng An, Mường phìa Mường Bú hay Chiềng Biên, Mường phìa Mường Chai hay Chiềng Nghiêm, Mường phía Mường Chiến hay Ngọc Chiến và Mường phìa Mường Chùm. Mường phìa Chiềng An còn gọi là mường phìa trong là trung tâm lị sở, nơi châu mường đóng đô. Như vậy lãnh thổ Thị xã là mường phìa Chiềng An, một trong năm mường phìa của châu Mường La ngày xưa.
          Năm 1904, Pháp rời tỉnh lị từ Vạn Bú (Ít Ong - Mường La) về Sơn La (Chiềng Lề) đổi tên gọi tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La, địa bàn Sơn La trở thành trung tâm tỉnh lị tỉnh Sơn La.
          Năm 1952, giải phóng Tây Bắc phố Chiềng Lề thành thị trấn thuộc Châu Mường La. Năm 1959, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chuẩn y cho xây dựng trụ sở ở thị trấn châu Mường La (sau này là thị xã Sơn La và thành phố Sơn La).
          Ngày 26/10/1961 Quốc hội quyết định chuyển một bộ phận thị trấn Châu Mường La thành đơn vị hành chính cấp thị xã đầu tiên ở khu Tây Bắc, đồng thời chuyển trụ sở về thị xã Sơn La và ở đây thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội khu tự trị Tây Bắc. Lúc bấy giờ lãnh thổ thị xã Sơn La chỉ có một khu phố Chiềng Lề với 2 tiểu khu Chiềng Lề, Quyết Thắng và một xã nông nghiệp là xã Chiềng Cơi. Tháng 12/1962, Quốc hội khóa III quyết định khu tự trị Tây Bắc thành lập 3 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ. Các cơ quan của khu Tây Bắc và tỉnh Sơn La đều đóng trên lãnh thổ thị xã Sơn La.
          Thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thị xã Sơn La trở thành trọng điểm bắn phá hủy diệt của địch, các cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất của khu và của tỉnh đều sơ tán khỏi thị xã. Sau hiệp định Pa-ri tháng 1/1973 về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, thường vụ khu Tây Bắc quyết định thị xã Sơn La vẫn là thị xã cũ để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Tháng 6/1976 tỉnh Sơn La quyết định: Các cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ sở sản xuất đóng ở Hát Lót nơi tập kết sau chiến tranh chuyển dần về địa bàn Thị xã Sơn La
          Tháng 3 năm 1979 để tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị xã, tỉnh đã đề nghị Quốc hội công nhận địa giới thị xã Sơn La gồm 2 phố và 8 xã: Phố Chiềng Lề, Quyết Thắng; xã Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh, Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen. Thị xã Sơn La trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh.
         
(Bản đồ hành chính thị xã Sơn La năm 1991.
Nguồn: Thị xã Sơn La bất khuất (1940 - 1975).- Sơn La : Ban Tuyên giáo Thị ủy, 1991.)
          Thực hiện quyết định số 03-CP ngày 03/01/1981 của Hội đồng chính phủ về việc thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở nội thành, nội thị, các đơn vị hành chính của  thị xã được gọi là phường, theo đó phố Chiềng Lề, Quyết thắng được gọi là phường. Năm 1998 Phường Chiềng Lề được tách ra thành phường Chiềng Lề và phường Tô Hiệu, phường Quyết Thắng tách ra thành phường Quyết Thắng và Quyết Tâm.
          Năm 2006 phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh được thành lập trên cơ sở diện tích và dân số của xã Chiềng An và xã Chiềng Sinh cũ. Năm 2010 phường Chiềng Cơi được thành lập trên cơ sở diện tích và dân số xã Chiềng Cơi.
            Ngày 6/10/2005, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BXD công nhận thị xã Sơn La là đô thị loại III.
          Ngày 03/9/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2008/NĐ-Cp thành lập thành phố Sơn La trực thuộc tỉnh Sơn La trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Sơn La.
          Lãnh thổ thành phố Sơn La nằm ở trung tâm cao nguyên Sơn La, phía Đông Bắc giáp huyện Mường La, phía Đông Nam và phía Nam giáp huyện Mai Sơn, phía Bắc và Tây giáp huyện Thuận Châu. Thành phố Sơn La giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Trải qua một chặng đường dài gian khổ, khó khăn chung của tỉnh nhà, Thành phố Sơn La hôm nay là thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân qua các thế hệ đã dày công phấn đấu, xây dựng, góp phần tô điểm cho bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La thêm sinh động, hấp dẫn, nhân lên niềm tin, niềm tự hào của đồng bào nhân dân các dân tộc Sơn La.
           (Bản đồ hành chính thành phố Sơn La
           Nguồn: Địa chí Sơn La.- H. : Chính trị Quốc gia Sự thật,2020
            Q.2.- 1070tr. ; 30cm)

Tài liệu tham khảo:
          1. Địa chí Sơn La / Thào Xuân Sùng, Nguyễn Quang Ân chủ biên, Nguyễn Văn Am... .- H. : Chính trị Quốc gia Sự thật,2020
          Q.2.- 1070tr. ; 30cm
          2. Thị xã Sơn La bất khuất (1940 - 1975).- Sơn La : Ban Tuyên giáo Thị ủy, 1991
132tr. ; 19cm
          3. Sơn La 115 năm vinh quang một chặng đường phấn đấu.- H. : Chính trị - Hành chính, 2010.- 202tr. : ảnh; 27cm
          4. Sơn La 120 mùa ban nở: Thư mục giới thiệu chuyên đề.- Sơn La: Thư viện tỉnh Sơn La, 2015.- 285tr. ; 30cm
          5. Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945 / Dương Kinh Quốc.- H.: Khoa học xã hội, 1982
          T.2.:1897-1918.- 277tr.; 20cm
Tác giả: Thanh Nhàn

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang