image banner

TÔ HIỆU - TIỂU SỬ

 

TÔ HIỆU - TIỂU SỬ

 

    Mỗi độ xuân về, nổi bật giữa bức tranh sơn thủy hữu tình của mùa xuân quê hương Sơn La có một dáng đào lại bung nở đỏ thắm. Đó là cây đào mọc bên ngách xà lim nhà ngục Sơn La được người chiến sỹ cộng sản trung kiên Tô Hiệu ươm mầm sống như một nhân chứng lịch sử về tấm gương lạc quan, kiên cường, dũng cảm trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc. “Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên được anh. Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sỹ cộng sản khuôn mẫu” - Đó là lời khẳng định của đồng chí Trường Chinh - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi tưởng nhớ đến công lao, cống hiến của đồng chí Tô Hiệu đối với Đảng, đất nước và dân tộc Việt Nam. Để ghi nhớ tinh thần chiến đấu kiên cường và những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, năm 2020 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã cho ra mắt đông đảo bạn đọc cuốn sách “Tô Hiệu - Tiểu sử”.

    Ngược dòng thời gian, qua những trang viết của Chương I cuốn sách, bạn đọc được tìm hiểu về Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của đồng chí Tô Hiệu. Trên mảnh đất Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), nơi nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng chí Tô Hiệu đã cất tiếng khóc chào đời năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, Tô Hiệu sớm đã có ý thức tự lập và luôn quyết tâm trên con đường học hành, tu dưỡng. Mùa thu năm 1923, Tô Hiệu theo anh đi Hải Dương học tiếp chương trình tiểu học. Bắt đầu từ đây, hành trình Từ người yêu nước trở thành người cộng sản (1924 - 1934) đến những tháng ngày lịch sử Tham gia lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng (1935 - 1940) của đồng chí Tô Hiệu sẽ được tái hiện rõ nét trong Chương II và Chương III của cuốn sách. Trước sự bất công trong xã hội thực dân, phong kiến lúc bấy giờ, Tô Hiệu từng bước dấn thân hướng vào con đường cách mạng, khi mới 14 tuổi. Càng tham gia sâu rộng, Tô Hiệu càng hiểu hơn hai từ Độc Lập, khao khát giành lại độc lập cho dân tộc và giải phóng cho người Việt Nam thoát khỏi hai tầng lớp áp bức của thực dân và phong kiến. Năm 1930, Tô Hiệu bị đày ra Côn Đảo, nơi được biết đến là một địa ngục trần gian. Từ trong ngục tù, chàng trai họ Tô trở thành những người cộng sản chân chính: Cùm sắt không giữ nổi những linh hồn bất tử/ Xà lim không giam nổi ý chí quật cường”.

    Năm 1939, ở tuổi 27, Tô Hiệu một lần nữa bước vào trận chiến mới trong nhà tù đế quốc và bị kết án 5 năm tù giam. Với lòng căm thù giặc sôi sục, Tô Hiệu tiếp tục hoạt động cách mạng và Chiến đấu trong địa ngục Sơn La (1940 - 1944). “Lại đến Sơn La, lại núi rừng/ Nằm trên đỉnh núi mà như bưng/ Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ/ Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng (Xuân Thủy). Những năm tháng bị đọa đày khổ cực tại nhà ngục Sơn La - nơi được ví như chiếc quan tài mở nắp chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn của người tù cộng sản Tô Hiệu được khắc họa chi tiết, sống động như những thước phim quay chậm trong chương IV của cuốn sách. Trong ngục tù ẩm thấp, mỗi phòng giam chỉ vẻn vẹn 4m² được xây dựng bằng đá hộc và xi măng, nơi đây mùa hè nóng như thiêu còn mùa đông lạnh thấu xương thịt. Bị giam riêng lại bị hạn chế tiếp xúc, Tô Hiệu như bị chôn trong một nhà mồ. Tô Hiệu và những người cộng sản trong nhà tù Sơn La luôn nhận thức được rằng ở tù không phải chấm dứt cuộc đời hoạt động cách mạng mà là tiếp tục cuộc đấu tranh đang bị bỏ dở ở bên ngoài. Tuy bệnh lao phổi tàn phá cơ thể nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn tích cực làm nhiệm vụ của mình với tinh thần lạc quan cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy, nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm những hạt giống đỏ, cung cấp cho phong trào cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản xuất sắc như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Xuân Thủy... Kiến thức được học trong nhà tù và sức mạnh về tinh thần Tô Hiệu đã truyền lửa cho những chiến sỹ cách mạng, góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

          “Rớt xuống trang thơ tôi/ Cánh hoa đào phớt đỏ/ Chiều Sơn La lặng gió/ Tôi nghe hoa thì thầm/… Trang thơ tôi đằm lại/       Giữa nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/       Anh về cùng mùa hoa”. Ngày 7/3/1944 đồng chí Tô Hiệu ra đi trong nhà ngục Sơn La, khi ấy đồng chí mới 32 tuổi đời. Tiếc thương một chiến sỹ tiên phong, hết lòng với Đảng cho đến khi nhắm mắt vẫn tâm niệm còn sống, còn chiến đấu, còn làm việc cho Đảng, dành trọn tình yêu cho Đảng, cho đất nước và không nghĩ tới tình cảm cá nhân của riêng mình. Những trang cuối trong Chương V của cuốn sách chính là lời khẳng định, tôn vinh về biểu tượng mang tên Tô Hiệu - Tấm gương của người cộng sản.

    Trải qua thời gian, cây đào Tô Hiệu không những trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La mà còn là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân của nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Hy vọng, mỗi khi nghiền ngẫm cuốn sách “Tô Hiệu - Tiểu sử” sẽ là dịp quý báu để mỗi chúng ta một lần nữa ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của một chiến sỹ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.

Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu!

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang