image banner

CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM TÁI ĐỊNH HÌNH NỀN KINH TẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM

TÁI ĐỊNH HÌNH NỀN KINH TẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

    Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với sự phát triển của Internet, các thiết bị di động, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số, chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho cả người dân và doanh nghiệp, Đồng thời, chuyển đổi số giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển Chính phủ số, Xã hội số và Công dân số. Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về chuyển đổi số và phát triển bền vững cho các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân; năm 2023 Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tiến sĩ Vũ Thị Thúy Hằng xuất bản cuốn sách Chuyển đổi số tại Việt Nam: Tái định hình nền kinh tế để phát triển bền vững.

Có kết cấu được chia thành 3 phần chính, nội dung Phần I của cuốn sách - Luận cứ về chuyển đổi số và phát triển bền vững trình bày cơ sở lý luận về các nội dung của chuyển đổi số, nội dung của phát triển bền vững và mối quan hệ giữa chuyển đổi số với phát triển bền vững. Những kinh nghiệm quốc tế và bài học rút ra cho Việt Nam về hành trình chuyển đổi số. Trong nội dung của Phần II - Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, nhóm tác giả tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số trong một số hoạt động và lĩnh vực như hoạt động hành chính, hoạt động trợ giúp xã hội, lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, thông tin và truyền thông. Thông qua việc đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững, đánh giá hiệu quả và kỳ vọng từ gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững tại Việt Nam nội dung phần III của cuốn sách đã đề cập đến Bối cảnh, định hướng và một số giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Nội dung các phần đều được khái lược bằng cơ sở lý luận và thực tiễn. Các lý luận cơ bản là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham khảo và vận dụng. Các giải pháp giúp nâng cao năng lực tự chủ ở cấp độ quốc gia, xây dựng hệ sinh thái số, bao gồm thể chế số, hạ tầng số, quản trị số, nhân lực số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp, cuốn sách hướng đến các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển bền vững toàn xã hội.

    Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, đây là cơ hội Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là tự phát triển, khá nhanh, do hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao, dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tương đối tốt, lao động chăm chỉ, thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đó là những thuận lợi cho Việt Nam chuyển đổi số với sự dẫn dắt của Chính phủ bằng một Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh của các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, phát triển bền vững là quá trình đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường một cách cân bằng và bền vững. Chuyển đổi số giúp Việt Nam tăng cường khả năng quản lý tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, đồng thời cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Chuyển đổi số cũng có thể cung cấp các giải pháp kỹ thuật số nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như giảm thiểu ô nhiễm và tăng cường an ninh.                                                                                                                                                                            Tuy nhiên, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thúc đẩy chuyển đổi số bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng công nghệ. Chuyển đổi số cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực như tăng cường sự phụ thuộc vào công nghệ và gia tăng sự bất bình đằng trong việc truy cập công nghệ. Do đó, phát triển bền vững là cần thiết để đảm bảo chuyển đổi số được thực hiện một cách cân bằng, hướng tới mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.               

    Cuốn sách Chuyển đổi số tại Việt Nam: Tái định hình nền kinh tế để phát triển bền vững phần nào giải quyết các thách thức và khó khăn trên. Cuốn sách tiếp cận nội dung chuyển đổi số không theo góc độ công nghệ, mà phân tích dựa trên thực trạng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực và ngành nghề. Cuốn sách cũng hàm ý cách thức vận dụng hiệu quả chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang