image banner

ĐI KHAI HOANG TÂY BẮC

ĐI KHAI HOANG TÂY BẮC

          Sau chiến thắng Điện Biên phủ, miền Bắc nước ta vừa nhanh chóng bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta không ngoài mục đích nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội  Đảng lần thứ III và Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V: “Đến năm 1965 phải nâng cao thu nhập của công nhân và nông dân lên khoảng 30% so với năm 1960, nhằm đưa mức sống của nông dân đuổi kịp và vượt mức sống của trung nông lớp trên”. Muốn thực hiện được mục tiêu đó phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó việc khai hoang mở rộng diện tích là một nhiệm vụ quan trọng bên cạnh nhiều nhiệm vụ khác.

          Trong những năm thực hiện công tác cách mạng hết sức to lớn và mới mẻ này, tác giả Hữu Thọ đã giúp thế hệ chúng ta có được những tư liệu quý báu, phác họa rõ nét bức tranh đời sống của nhân dân miền Bắc nói chung và nhân dân miền núi Tây Bắc thời kỳ 1960 - 1965 trong cuốn “Đi khai hoang Tây Bắc”, Nhà xuất bản Nông nghiệp xuất bản năm 1963.

          Nói về lý do “Tại sao có công cuộc khai hoang Tây Bắc” tác giả đưa ra 4 lý do:

          Thứ nhất do yêu cầu về nông sản ngày càng lớn

          “Dân số ở miền Bắc nước ta mỗi năm một tăng nhanh. Cứ một trăm người, sau khi tính số sinh trừ số tử, thì mỗi năm lại thêm 3 người, cả nước mỗi năm thêm 50 vạn người…Để đảm bảo cho dân đủ ăn, đến năm 1965 toàn quốc phải có 9 triệu rưỡi tấn lương thực (gồm cả lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ) trong đó phải có chừng 7 triệu rưỡi tấn thóc”.

          Thứ hai do yêu cầu phát triển miền núi

          “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ ba đã nêu rõ: Trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp xây dựng kinh tế miền núi có một tầm quan trọng rất lớn… Nền kinh tế mà chúng ta xây dựng ở miền núi sẽ giúp việc nâng cao không ngừng mức sống vật chất và văn hóa của đồng bào miền núi, đồng thời sẽ bổ sung cho kinh tế miền xuôi, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế miền xuôi, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế miền xuôi, góp phần rất quan trọng vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”

          Thứ ba do yêu cầu của phân bố sức lao động, sử dụng hợp lý sức lao động để đẩy mạnh sản xuất và kiến thiết Tổ quốc

          “Theo điều tra dân số tháng 3-1960 toàn miền Bắc có 15 triệu 90 vạn người, trong đó số lao động ở nông thôn có khoảng 7 triệu… phần lớn tập trung ở đồng bằng nhỏ bé, ruộng đát ít. Trong khi mỗi cây số vuông ở khu tự trị Tây Bắc chỉ có 13 người …ở Thái Bình là 864 người, ở Nam Định là 808, ở Hưng Yên là 738…”. Ngoài việc đưa thêm sức người vào việc phát triển công nghiệp, mở mang các đường giao thông, các nông trường quốc doanh… còn cần phải tổ chức các hợp tác xã ở đồng bằng đi khai hoang xây dựng những cơ sở sản xuất nông nghiệp mới ở miền núi

          Thứ tư là do yêu cầu của việc nâng cao đời sống của nhân dân

          Sau cuộc “Vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ” rộng rãi, sâu sắc ở miền núi” đã đưa đến biến đổi cách mạng to lớn bước đầu, công cuộc khai hoang là một chủ trương tiếp theo mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ những ngày đầu thực hiện chủ trương, diện mạo nông thôn Tây Bắc đã có những biến chuyển rõ rệt, tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu lương thực đã bước đầu được giải quyết, góp phần tăng thêm sản phẩm cho xã hội, hướng đến xây dựng miền núi tiến kịp miền xuôi.

          Đọc “Đi khai hoang Tây Bắc” ta như được sống với đời sống của bà con đi khai hoang ngày ấy, đặc biệt là bà con hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên ngày đầu khi đến với vùng đất mới: là tâm trạng lưu luyến khi rời xa quê hương, là băn khoăn trước nhứng khó khăn thách thức nhưng cũng là hứng khởi, vững tin và quyết tâm vượt qua để rồi yêu và gắn bó với mảnh đất mình sinh cơ lập nghiệp.

          Cuốn sách nhuốm màu thời gian, được sinh ra trong chính hoàn cảnh lịch sử mà nó nhắc đến như “Đi khai hoang Tây Bắc” có lẽ giá trị không chỉ nằm ở thông tin tư liệu, đó còn là một phần ký ức, là kỷ vật để khơi dậy những năm tháng đáng nhớ trong mỗi người đã từng chứng kiến, đã từng trải qua và là câu chuyện kể sống động nhất cho thế hệ hôm nay biết đến và trân trọng lịch sử. Sơn La – Tây Bắc ngày nay đã có những bước tiến dài so với những năm 60 của thế kỷ trước nhưng trong mỗi bước đi đều có những dấu chân, những gương mặt, những bàn tay và cả trí tuệ của lớp lớp người khai hoang ngày ấy. Họ đã tin tưởng đi theo đường lối của Đảng, lời kêu gọi của Bác Hồ và kiên định vượt khó như thế nào? Chúng ta có thể hình dung và thấu hiểu thông qua những cuốn sách như “Đi khai hoang Tây Bắc”.

          Trân trọng giới thiệu và mời bạn đọc tham khảo tại Kho Địa chí – Thư viện tỉnh Sơn La.

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang