image banner

SƠN LA NƠI VÓC NÚI HÌNH SÔNG

SƠN LA NƠI VÓC NÚI HÌNH SÔNG

Được mệnh danh là thủ phủ của vùng cao Tây Bắc, với lịch sử hình thành và phát triển của mình, Sơn La đã tạo nên những nét đặc trưng riêng. Trước đây, nhắc đến Sơn La người ta sẽ nghĩ đến một vùng đất xa ngái, đi lại khó khăn, trùng núi, điệp rừng nổi tiếng với hai nông trường thời bao cấp: Chè và bò sữa Mộc Châu. Còn giờ, ngoài những giá trị cũ được nâng lên tầm cao mới, Sơn La đang là vựa cây trái miền Bắc, các tour du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế... Để giúp bạn đọc hiểu thêm về con người cũng như cảnh sắc thiên nhiên, tiềm năng phát triển của vùng đất này, Thư viện tỉnh Sơn La giới thiệu cuốn sách Sơn La nơi vóc núi hình sông - Bút ký và ghi chép của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2023.
anh tin bai

          Lần theo những câu thơ của Quang Dũng, đến Sơn La...lên đỉnh Pha Luông, về nơi mưa xa khơi trong miền thơ đã đi vào huyền thoại [Tr.18] nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho chúng ta thấy: Một Pha Luông từ thơ ca....với hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên bước hành quân qua những cung đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu, tỏa khắp vùng Tây Bắc, vượt Pha Luông sang Hủa Phăn, Sầm Nưa của Lào, về Thanh Hóa, sang lại Hòa Bình...Và đoàn quân ấy ròng rã trên địa bàn trải dài vùng biên giới hai nước Việt - Lào [Tr.22]...Pha Luông gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng và thơ ca như thế. Để hôm nay, hễ ai nhắc đến Pha Luông thì gần như người ta đều liên tưởng đến câu thơ: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi cùng những bước chân của đoàn quân Tây Tiến. Một Pha Luông hiện tại [Tr.24] đã thực sự có những vị thế độc lập, đủ sức quyến rũ những bước chân ưa khám phá, thử thách những ý chí ưa mạo hiểm bằng sự kiêu hãnh trữ tình. Pha Luông của ngày mai, có thể sẽ là nơi người ta đón bình minh trên nóc nhà Mộc Châu giữa biển mây bồng bềnh sau một đêm ngon giấc [Tr.32]. Hang Táu bức thư tình còn phong kín là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để có cây khoe sắc với duy nhất một lối vào. Cả thung lũng là một màu xanh mướt, trở nên ảo diệu khi ánh nắng rót mật lên từng ngọn cỏ. Phía cuối của thung lũng, theo hẻm núi có một chiếc hang nhỏ, hang này có tên là Hang Táu...theo tiếng Mông, Hang Táu cũng có nghĩa là “lòng chảo, bãi bằng”, cũng giống với cái cách để người ta mô tả về khoảnh đất rất đặc biệt ấy [Tr.34]. Những khi nắng về, cả thung lũng nguyên sơ được nhuộm trong một màu xanh nõn chuối. Và cũng như ý tứ trong câu thơ, những “ngọn gió” bốn phương về Hang Táu hãy nhẹ nhàng mở ra những bí ẩn, hãy nhẹ nhàng khi chạm vào vẻ đẹp trong trẻo nơi này, hãy ý tứ và hiểu biết, đừng áp đặt những giá trị khác lên cảnh vật và con người Hang Táu, để nơi đây mãi là một bức tình thư còn phong kín.

          Trong cuốn sách Sơn La vóc núi hình sông tác giả Nguyễn Vũ Điền còn đưa người đọc đến với sông Mã của tỉnh Sơn La - một huyện biên giới nghèo nằm ở thượng nguồn dòng sông này, gắn liền với những ca từ ngọt ngào và lãng mạn của “Tình ca Tây Bắc”: Em là dòng sông Mã/ Anh là núi Mường Hung/ cho thuyền em ngược dòng/ gió đưa em về núi...” [Tr.44]. Sông Mã hôm nay đã có nhiều thay đổi đáng khâm phục, một sông Mã thơ mộng và một sông Mã tràn đầy sinh lực hiển hiện ngay trên mảnh đất mang tên một dòng sông. Nhà văn trẻ Kiều Duy Khánh không khỏi tự hào khi kể về mảnh đất Yên Châu sinh ra và lớn lên - nơi xứ Thái mù sương, với những điệu xòe câu khắp làm ấm lòng người nghe: Người Yên Châu bắn máy bay [Tr.78]; Bản xưa, xoài cổ - Mường Lựm để hít hà Huơng xoài cuối vụ; nghe những câu chuyện cổ tích về quả Mường kẻo nghĩa tình [Tr.73]; Tiếng khèn bè Mường Vạt ngân vang giữa núi hồ Chiềng Khoi xanh thẳm như níu chân du khách khi đến thăm quan mảnh đất Yên Châu có đủ nắng, đủ gió, đủ khắc nghiệt cỗi cằn để nuôi trái xoài thơm ngọt. Vân Hồ - Mảnh đất cổ xưa đẫm huyền thoại gắn với di tích lịch sử Đền thiêng Hang Miếng [Tr.97]; Danh thắng thác Nàng Tiên [Tr.103] cùng với Lễ hội hái quả,với tiếng nhạc xòe rộn rã...Vùng quê đẹp còn chút hoang sơ của Vân Hồ sẽ là nơi lý tưởng giục lữ khách gần xa lên đường  của nhà văn - Trần Nguyên Mỹ. Trong bài viết của mình Hương sắc thổ cẩm [Tr.248] nhà văn Lò Na Ly đã giới thiệu được nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái: Gái phải biết dệt vải/ Trai phải biết đan chài...Chính sự cần mẫn, khéo léo trong việc thêu thùa, kéo sợi dệt của người phụ nữ đã trở thành tiêu chí đánh giá sự giỏi giang của các chàng trai ,cô gái Thái khi đến tuổi kết hôn, chọn vợ gả chồng.

Với 23 bài bút ký và ghi chép của 14 tác giả, cuốn sách Sơn La nơi vóc núi hình sông đã giới thiệu được nét đặc trưng nhất về bản sắc văn hóa riêng của 12 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Sơn La, cũng như tiềm năng phát triển du lịch, vựa cây trái phong phú là lợi thế để tỉnh nhà đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang