image banner

LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

          Dân chủ và thực hành dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền; là một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, khẳng định trên thực tế quyền con người, quyền công dân, chủ quyền của Nhân dân theo nguyên tắc Hiến định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”, “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Với mong muốn phổ biến tới đông đảo bạn đọc nội dung quan trọng của Luật, năm 2023 Nhà xuất bản Thanh niên đã phát hành cuốn sách Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 1/7/2023) do Phương Linh tổng hợp, giới thiệu.

          Với độ dày 141 trang, cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc toàn văn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 1/7/2023) gồm 6 chương, 91 điều “quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở” [Tr.5]. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.

          Cuốn sách Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 1/7/2023) sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm. Đồng thời, nắm được những điểm mới được bổ sung trong nội dung công khai để Nhân dân biết như: Quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 14); quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66). Trong những nội dung Nhân dân bàn và quyết định ở cộng đồng dân cư, về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21). Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động, Luật bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (Điều 68). Cùng với những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát, thụ hưởng được quy định trong Luật, tất cả cho thấy vấn đề Nhân dân giám sát hoạt động của Nhà nước, cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức, viên chức xuất phát từ nguyên tắc quyền lực của Nhân dân là tối thượng, là quyền lực gốc. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thẩm quyền của mình là thực hiện quyền hạn do Nhân dân ủy thác cho.

          Qua các nội dung được quy định trong Luật, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là một khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành những quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, Nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Hiện nay, các yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở rất đa dạng, phức tạp, có thể nhìn nhận dưới góc độ tác động bên trong và tác động bên ngoài như trình độ dân trí, văn hóa, ý thức pháp luật, yếu tố tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, yếu tố chính trị, hệ thống pháp luật, bộ máy Nhà nước, quá trình hội nhập quốc tế… Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và thực hiện trên thực tế là rất thiết thực, thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hy vọng, cuốn sách Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 1/7/2023) sẽ giúp bạn đọc dễ dàng và nhanh chóng tìm ra những điều luật cần thiết cho mình trong quá trình nghiên cứu học hỏi pháp luật.

          Thư viện tỉnh Sơn La xin trân trọng giới thiệu!

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang