(Cinet)- Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa ở tầm cao của một dân tộc. Thông qua văn hóa đọc định hướng đọc cho mọi người dân, giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực và sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Trên cơ sở đó, ngày 15/3/2017, Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng và phát triển tri thức cho cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Mạng Thông tin văn hóa CINET đã có buổi chia sẻ và trao đổi với bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL).

PV: Thưa Vụ trưởng, Vụ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa đọc trong cộng đồng hiện nay?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Văn hóa đọc đã được quan tâm và có chiều hướng phát triển trong thời gian gần đây. Từ phương diện quản lý nhà nước, qua các số liệu báo cáo và qua các đợt kiểm tra, khảo sát thực tế, chúng tôi thấy việc đọc đã được quan tâm hơn trong các thư viện công cộng và trong các nhà trường. Người đọc đã dành nhiều thời gian cho đọc sách hơn qua so sánh số liệu điều tra năm 2010 với năm 2015, thời gian rảnh của trẻ em dành cho đọc sách có sự gia tăng. Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay không đều, ở miền Nam có phần vượt trội hơn miền Bắc và có những khoảng cách lớn giữa các địa phương. Về mục đích đọc, người Việt Nam vẫn còn thiên nhiều về giải trí. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy 56% người được điều tra cho biết họ đọc để thư giãn, giải trí; nhiều người vẫn thiên về đọc báo, lướt web để biết thông tin, tin tức. Đọc phục vụ học tập, nghiên cứu chưa thực sự được chú trọng. Số bản sách người Việt Nam đọc trong năm vẫn còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
PV: Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017. Theo Vụ trưởng, điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng cũng như với toàn ngành Thư viện?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Khác với những với những đề án khác, đề án phát triển văn hóa đọc không chỉ xác định những chỉ tiêu, định hướng mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể và đồng bộ để văn hóa đọc sẽ được xây dựng và phát triển bền vững, đồng thời xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc thực hiện đề án. Bộ VHTTDL đã có một thời gian chuẩn bị khá lâu, một số nội dung và giải pháp được đề xuất đã được trải nghiệm trong thực tế và đạt kết quả.

Riêng đối với ngành thư viện, với việc thực hiện, triển khai đề án phát triển văn hóa đọc, sẽ phát huy vai trò quan trọng là môi trường nuôi dưỡng và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Toàn ngành thư viện, bao gồm thư viện công cộng, thư viện các cơ sở giáo dục, nhà trường và thư viện bộ ngành sẽ nâng cao năng lực tổ chức và cung cấp dịch vụ, tạo ra môi trường thân thiện thu hút và thỏa mãn các nhu cầu sử dụng thông tin và tri thức của các tầng lớp nhân dân. Thư viện không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp sách mà còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên thực hiện việc học suốt đời, bồi dưỡng lòng yêu đọc và hình thành kỹ năng đọc trong cả hai phương diện: thư viện truyền thống và thư viện điện tử/thư viện số.
PV: Đi sâu hơn về Đề án này, Vụ trưởng có thể cho biết đâu là những điểm nhấn quan trọng của Đề án và những con số, mục tiêu cụ thể mà Đề án đặt ra được xây dựng trên cơ sở nào?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Điểm nhấn quan trọng của Đề án là thông qua việc thực hiện đề án này, người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên có thêm điều kiện, khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác, hình thành thói quen và phát triển kỹ năng đọc. Cải thiện môi trường đọc là yếu tố khách quan; hình thành thói quen đọc và kỹ năng đọc là yếu tố nội sinh, chủ quan gắn với người đọc. Đó là những yếu tố quan trọng mang tính quyết định để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững. Nếu chỉ xây dựng phong trào đọc, thì đó chỉ là một hoạt động nhất thời.
Đề án đã đặt ra các chỉ tiêu gắn với các mục tiêu quan trọng của đề án. Khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức của người dân, các chỉ tiêu liên quan đến tức là nâng cao năng lực đọc và ứng dụng tri thức của người đọc và chỉ tiêu để tạo ra môi trường đọc thân thiện, đảm bảo cho việc thỏa mãn nhu cầu đọc và phát huy các giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục của sách báo, tài liệu.
Các chỉ tiêu này được xây dựng trên 3 cơ sở:
Một là các chỉ tiêu đã được Đảng và Chính phủ xác định và phê duyệt trong các văn bản (Chỉ thị, chiến lược, các quyết định) trước đây.
Hai là kết quả điều tra thực tại và triển khai áp dụng thử trong thực tế trong mấy năm gần đây.
Ba là đối chiếu với mức đọc trung bình và sự đầu tư cho việc đọc của các nước trong khu vực và thế giới.
Trước đây, khi nói đến các chỉ số phát triển văn hóa đọc, chúng ta thường hay chỉ nói tới những con số liên quan đến thư viện công cộng (số thẻ, lượt đọc, lượt sách báo luân chuyển và vốn tài liệu được lưu giữ) và số lượng sách được xuất bản trong năm của ngành xuất bản. Các chỉ số đó mới chỉ có khả năng nhận diện một phần thực trạng. Các chỉ tiêu được đặt ra trong đề án bao quát chung. Ví dụ: Phấn đấu mỗi người dân trung bình đọc 04 cuốn sách/năm, chỉ tiêu này bao gồm cả đọc ở nhà, ở cơ quan và tại thư viện; hay số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 300.000.000, chỉ tiêu này bao gồm cả thư viện công cộng và các thư viện đa ngành, chuyên ngành, thư viện trường học…
PV: Theo Vụ trưởng, quá trình triển khai Đề án này sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Thuận lợi cơ bản trong việc triển khai đề án là: Chính phủ đã có sự quan tâm, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai đề án (một số Bộ ngành, các thư viện, các nhà xuất bản, các nhà trường, các bậc cha mẹ…) đã có nhiều nỗ lực để góp phần phát triển văn hóa đọc. Một số tổ chức, các nhà khoa học, nhà văn, những người tâm huyết với văn hóa đọc đã chủ động liên hệ với Vụ Thư viện để thể hiện sự sẵn sàng cộng tác trong những hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc.
Khó khăn khi thực hiện đề án là ngân sách của Nhà nước dành cho thực hiện đề án không có nhiều, phần lớn sẽ là do xã hội hóa. Thêm vào đó, nhận thức của nhiều người, trong đó có các cấp lãnh đạo về vai trò của việc đọc còn chưa đúng mức. Đối với nhiều người, đọc chưa thành một nhu cầu thiết thân. Vì thế, nếu không có sự quyết tâm, tâm huyết và chung tay của toàn xã hội thì việc thúc đẩy văn hóa đọc sẽ khó thực hiện được một cách đồng bộ.
PV: Theo Vụ trưởng, điều gì có ảnh hưởng quyết định tới sự thành công của Đề án này?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Điều quyết định ảnh hưởng tới sự thành công của đề án này là nhận thức của người đọc về vai trò, ý nghĩa của việc đọc, sự tham gia tích cực của nhà trường, gia đình và xã hội vào việc tạo ra môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen, trang bị kĩ năng đọc cho mọi người, đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên. Với những trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ phân công, Bộ VHTTDL sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu đã đặt ra trong đề án. Điều đáng phấn khởi là chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng chưa đầy 2 tháng sau khi đề án được phê duyệt) nhiều bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với đề án này. Một số địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và giao trách nhiệm cho các sở, ban ngành để triển khai đề án và có thông báo về Bộ VHTTDL. Xây dựng được một kế hoạch cụ thể cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đề án./.