VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC ĐỊA CHÍ VÀ THỰC HIỆN NỘI DUNG ĐỊA CHÍ Ở THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA
Công tác địa chí là một công việc quan trọng đối với mỗi địa phương, bao gồm việc nghiên cứu, khai thác và quản lý thông tin về địa chí cũng như xây dựng và bảo vệ các tư liệu gắn liền với địa phương. Vai trò của công tác địa chí được thể hiện trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quy hoạch và phát triển, giáo dục và đào tạo…
Các thông tin địa chí cung cấp cơ sở khoa học cho các quyết định về phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm cả quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất, quản lý tài nguyên và phát triển du lịch, lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc...; xây dựng các đề án phát triển kinh tế mang tính chiến lược của vùng cũng như của từng địa phương; khai thác nguồn lực tại chỗ, đồng thời, chủ động mở rộng với các vùng quan hệ khác và nước ngoài.
Mỗi địa phương luôn phấn đấu trở thành những đơn vị kinh tế, văn hóa năng động, phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy cần trang bị sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc về địa phương mình (tự nhiên, đất đai, cây trồng, vật nuôi, con người, truyền thống…). Công tác địa chí cung cấp các thông tin giúp cải thiện kiến thức và nhận thức của người dân về mọi mặt của đời sống tại địa phương, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc, truyền thống và văn hóa của địa phương mình. Điều này giúp tăng cường nhận thức và niềm tự hào về địa phương và khơi gợi sự yêu thương, tình cảm đối với nơi mình đang sống.
Trong sự nghiệp đổi mới, việc phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, công tác địa chí càng có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo thông tin cho các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương. Để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, xây dựng con người ở địa phương thì trước hết cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn phải hiểu biết sâu sắc, toàn diện về tình hình, đặc điểm địa phương, quá khứ lịch sử, tiềm năng và thế mạnh cũng như tình hình hiện tại của địa phương. Muốn làm được điều đó thì phải điều tra kinh tế địa phương đồng thời bổ sung các thông tin thu được trên thực tế thông qua nguồn tư liệu địa chí.

( Địa chí Sơn La, sản phẩm danh mục, thư mục địa chí chuyên đề)
Đối với thư viện tỉnh Sơn La, công tác địa chí là một phần mang tính đặc thù với các hoạt động: Phát hiện, sưu tầm, bổ sung, xử lý, tổ chức và bảo quản, khai thác tài liệu, biên soạn thư mục địa chí; cung cấp thông tin về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương. Hiện nay, kho Địa chí của Thư viện tỉnh lưu trữ hơn 10 nghìn tài liệu ở tất cả các lĩnh vực về địa phương Sơn La; trong đó có hơn 1000 tài liệu sách Thái và Dao cổ, cung cấp phục vụ thông tin có giá trị về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội cho bạn đọc mọi lứa tuổi.
Thư viện tỉnh Sơn La thực hiện công tác tìm kiếm và thu thập các tài liệu về mọi lĩnh vực của địa phương như sách, báo, tạp chí, bản đồ, hình ảnh, video và tài liệu kỷ yếu… Các tài liệu địa chí sau khi thu thập được, sẽ được xử lý nghiệp vụ, bảo quản và quản lý tại thư viện. Đảm bảo sự an toàn và bảo quản tốt các tài liệu để có thể sử dụng trong tương lai.
Để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, thư viện đã tổ chức sắp xếp kho, xây dựng bộ sưu tập tài liệu chuyên đề phù hợp với đối tượng bạn đọc và đáp ứng nhu cầu tra cứu của bạn đọc; hỗ trợ bạn đọc tìm kiếm và nghiên cứu các tài liệu địa chí thông qua các dịch vụ như tư vấn tìm tài liệu, hướng dẫn sử dụng tài liệu, truy cập thông tin trực tuyến...
Qua thực tế phục vụ chúng tôi nhận thấy, không ít cán bộ chủ chốt, giáo viên giảng dạy giáo dục địa phương đến người dân sở tại còn chưa thực sự tìm hiểu, nắm rõ về lịch sử, kinh tế, văn hóa…của địa phương; từ đó sự quan tâm đúng mức đến công tác địa chí còn rất hạn chế. Bạn đọc Địa chí thường xuyên tìm tài liệu phần lớn do nhu cầu nghiên cứu, yêu cầu nhiệm vụ; một số rất ít do nhu cầu yêu thích tìm hiểu. Bạn đọc đến thư viện tra cứu địa chí có cả người nước ngoài, nhiều yêu cầu đọc nghiên cứu theo chuyên đề về các lĩnh vực địa lý, nông - lâm nghiệp, văn hóa các dân tộc thiểu số và chữ Thái cổ. Xuất phát từ thực tế đó Kho Địa chí Thư viện tỉnh Sơn La đã biên soạn hệ thống các thư mục địa chí chuyên đề: “Sơn La 120 mùa ban nở” (2015), “Lễ hội truyền thống của 12 dân tộc anh em ở Sơn La” (2015); “Sơn La hội nhập và phát triển” (2019); “Nông nghiệp nông thôn Việt Nam, định hướng và phát triển” (2020); Sắc màu văn hóa Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Kháng, Dao… phục vụ kịp thời, thuận tiện cho bạn đọc đến thư viện; đẩy mạnh nguồn lực thông tin bằng cách tăng cường, mở rộng phạm vi sưu tầm tài liệu; đẩy mạnh công tác số hóa tài liệu; biên soạn danh mục sách mới địa chí…
Ban lãnh đạo Thư viện tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, xin cấp kinh phí bảo quản tài nguyên quý hiếm và đã được phê duyệt thực hiện. Đây là một bước tiến mới đáng mừng thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với công tác địa chí. Thời gian tới, thư viện tỉnh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ bảo quản tài liệu quý hiếm cho tài liệu lưu trữ góp phần kéo dài “tuổi thọ” cho tài liệu.

Cán bộ Thư viện tỉnh Sơn La học tập kinh nghiệm và thực hành công tác bảo quản tài liệu quý hiếm
Cùng với đó, kho Địa chí sẽ nỗ lực khắc phục những hạn chế trong công tác địa chí, thu hút bạn đọc thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phục vụ lưu động; phối hợp với các trường học khuyến khích giáo viên, sinh viên, học sinh tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử địa phương; tích cực tham gia viết bài giới thiệu sách địa chí, vận động cán bộ thư viện, cộng tác viên nghiên cứu tư liệu địa chí đăng tải trên báo, tạp chí, bản tin, đài phát thanh truyền hình của ngành và của địa phương.

Tổ chức trải nghiệm giáo dục địa phương và phục vụ địa chí lưu động tại trường học
Xác định công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu địa chí cần có mục đích rõ ràng, hướng đến sự đa dạng, phong phú, công tác địa chí ở thư viện tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch chi tiết, dự toán kinh phí sưu tầm cho năm tiếp theo, chủ động khảo sát nguồn tư liệu, dự kiến phương án và loại hình tài liệu cần sưu tầm; ngoài ra khi có thông tin về nguồn tài liệu của địa phương thư viện ưu tiên sưu tầm, thu thập, phân loại và bổ sung vào kho tài liệu địa chí.
Với những cố gắng nỗ lực trong công tác địa chí ở địa phương Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc, Thư viện tỉnh Sơn La đã đóng góp một phần không nhỏ vào công tác địa chí chung của tỉnh nhà, tạo điệu kiện thuận lợi bạn đọc gần xa nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh các quan điểm khác nhau về con người, sự kiện ở địa phương sống động, chân thực hơn từ đó có những công trình giá trị đóng góp cho sự phát triển của địa phương cũng như sự phát triển chung của đất nước.