Thế kỷ 20 đã khép lại, toàn nhân loại đã bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, thế kỷ của nền kinh tế tri thức và kỷ nguyên thông tin, trong đó thông tin, tri thức đã và đang trở thành động lực vật chất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi nước, của khu vực và toàn cầu.
Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc khóa IX (năm 2001), đánh giá thế kỷ 20 và triển vọng thế kỷ 21, có nêu rõ: “ Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất của loài người...”. Và để có thể rút ngắn thời gian công nghiệp hóa ở nước ta so với các nước đi trước, Đảng ta đã đề ra chủ trương: “Phát huy những lợi thế của đất nước, gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ tiên tiến, hiện đại về khoa học và công nghệ, đặc biệt là CNTT, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu công nghệ hiện đại và tri thức mới, từng bước phát triển kinh tế tri thức...”.
Vậy các thư viện Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế tri thức cần tổ chức và hoạt động ra sao để phục vụ tốt nhất công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? để mau chóng hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế?
Thư viện, với chức năng cơ bản của mình, vừa là cơ quan văn hoá - giáo dục ngoài nhà trường, vừa là cơ quan truyền bá thông tin, phổ biến tri thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nền kinh tế tri thức muốn phát triển tốt chủ yếu dựa vào tài nguyên trí tuệ, hay cũng có thể nói gọn lại là dựa vào nguồn tri thức của xã hội, dựa vào chất xám của con người. Như chúng ta đã biết, nguồn tri thức của xã hội loài người chủ yếu được tích lũy qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm trong các sách báo, tài liệu, mà thư viện lại chính là nơi tàng trữ hầu hết sách báo và tri thức của mọi thời đại, từ cổ chí kim. Chính thư viện cũng là nơi tổ chức sử dụng sách báo, tài liệu có hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất... Vì vậy có thể nói hoạt động thư viện trong thời đại ngày nay càng có vai trò to lớn, nó sẽ góp phần quan trọng trong nền kinh tế tri thức, thúc đẩy xã hội phát triển.
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Nhà nước, các hệ thống thư viện Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh không ngừng, tổ chức tốt việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu báo cáo, thống kê của Bộ VHTTDL, hiện nay ở Việt Nam có 2 loại hình thư viện như sau:
1. Thư viện công cộng/ phòng đọc sách, tủ sách có: 17.316 thư viện/ tủ sách (gồm 1 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh, thành phố, 652 thư viện quận, huyện, thị xã; 3.432 thư viện xã, phường, thị trấn; 13.107 phòng đọc sách xã và cơ sở (làng, thôn, bản) và 61 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (với tổng số sách hiện có trong TVCC là 32.271.345 bản).
2. Thư viện chuyên ngành, đa ngành, bao gồm: Gần 60 thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học; hơn 230 thư viện trường đại học và cao đẳng, hơn 17.000 thư viện, tủ sách trường học; hơn 200 Trung tâm thông tin - thư viện của các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan Nhà nước; 2.740 thư viện của các đơn vị vũ trang và hàng ngàn thư viện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp. Gần 10.000 tủ sách pháp luật xã, phường; gần 8.000 tủ sách Điểm bưu điện - Văn hóa xã v.v.....
Các thư viện Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng nguồn lực thông tin, phát triển vốn tài liệu, nhằm nâng cao mức hưởng thụ sách báo cho người dân, phục vụ tốt những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Nhìn chung các hệ thống thư viện cả nước đang không ngừng phát triển đội ngũ cán bộ (cả về số lượng lẫn chất lượng), đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động thư viện. Nhiều thư viện đa dạng hóa các loại hình phục vụ trong thư viện (đọc tại chỗ, lưu động, mượn, kho mở, đọc đa phương tiện). Số lượng bạn đọc và lượt sách, báo luân chuyển không ngừng tăng lên. (Ví dụ, chỉ tính năm 2013, trong hệ thống TVCC Việt Nam: Đã bổ sung được 604.933 bản sách; cấp được 890.036 thẻ đọc; tổng số lượt bạn đọc là 19.792.367 lượt và tổng số lượt sách báo luân chuyển trong toàn hệ thống TVCC là: 48.534.776 lượt).
Bên cạnh đó việc giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng được tăng cường và mở rộng và hiệu quả (hiện tại các thư viện Việt Nam có quan hệ trao đổi sách, báo với hơn 100 tổ chức trong khu vực ASEAN và quốc tế, tham gia tích cực & hiệu quả trong các tổ chức nghề nghiệp như: IFLA (Hiệp hội Thư viện Thế giới), CONSAL (Hiệp hội Cán bộ thư viện Đông Nam Á)....). Ví dụ: Từ năm 2013 đến 2016, Dự án “Nâng cao khả năng truy cập máy tính cho cộng đồng” của Quỹ Bill and Melida Gates (Hoa Kỳ) hỗ trợ cho hệ thống thư viện Việt Nam hơn 11.000 máy vi tính (với tổng trị giá hơn 36 triệu đô-la Mỹ).
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những thành tích, chúng ta chưa thể bằng lòng với chính mình, nhất là trước ngưỡng cửa nền kinh tế tri thức, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, bởi lẽ:
- Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về công tác thư viện có nơi, có lúc chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ.
- Ở một số địa phương, một số Bộ, ban, ngành, việc đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư ngân sách cho hoạt động thư viện còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Trang thiết bị thư viện ở một số địa phương - nhất là trong hệ thống thư viện công cộng - còn nghèo nàn, thiếu thốn.
- Hiện đại hóa thư viện ở một số hệ thống thư viện đã bước đầu được chú trọng, song chưa toàn diện và đầy đủ. Việc thực hiện chương trình công nghệ tin học ở một số thư viện, một số vùng, miền trong cả nước chưa đồng bộ, vì thế chưa phát huy hiệu quả trong thực tế.
- Đội ngũ cán bộ thư viện của chúng ta ít có điều kiện được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ mới, hiện đại, phục vụ công tác chuyên môn.
- Việc đáp ứng nhu cầu đọc còn hạn chế, chưa xây dựng được môi trường văn hóa đọc, xã hội học tập theo tinh thần của Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Nguyên nhân của tình hình trên, có cả khách quan và chủ quan, nhưng theo tôi, đặc biệt lưu ý đến yếu tố chủ quan. Đó là:
1 - Trong các hệ thống thư viện Việt Nam từ cán bộ quản lý đến đội ngũ cán bộ, công chức chưa thật sự có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ thư viện rất nhiệt tình, rất tích cực nhưng sự năng động, linh hoạt, chủ động còn thiếu.
2 - Chúng ta chưa làm cho xã hội, chưa làm cho lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương thấy rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của hệ thống thư viện, của hoạt động thư viện trong nền kinh tế - xã hội.
3 - Chúng ta chưa thật sự làm cho mỗi thư viện trở thành trung tâm văn hóa đọc, trung tâm của tri thức, của khoa học trên địa bàn v.v...
Để các thư viện Việt Nam đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, có thể hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, xin được đề xuất một số giải pháp như sau:
- Một là, các hệ thống thư viện Việt Nam bằng mọi biện pháp cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, đó là: Đáp ứng thật tốt, có hiệu quả những nhu cầu đọc của nhân dân, tiến tới xây dựng và hình thành môi trường văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập trong tương lai.
- Hai là, cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí, trang thiết bị hiện đại cho các hệ thống thư viện. Trong những năm vừa qua, một số thư viện tỉnh, thành phố, các thư viện trực thuộc Bộ, Ban ngành ở TW đã được đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp về trụ sở, mua sắm trang thiết bị hiện đại, song nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
- Ba là, cần xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện trong cả nước, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, vững vàng về chính trị - tư tưởng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vi tính; thông thạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Cần xác định cho rõ: Yếu tố con người là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong sự nghiệp thư viện Việt Nam .
- Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các khâu hoạt động của thư viện theo hướng: Xây dựng các kế hoạch cụ thể, có bước đi, có lộ trình, có tiêu chí rõ ràng, đặc biệt phải lấy hiệu quả làm thước đo giá trị... Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT đã được thực hiện ở nhiều thư viện tỉnh, thành phố, các thư viện Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, tới đây, cần tích cực triển khai xuống các thư viện cấp huyện & cơ sở trong cả nước.
- Năm là, đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa công tác thư viện trên nguyên tắc xây dựng đi đôi với quản lý tốt để phát triển đọc ở mọi vùng, miền trong cả nước. Kết hợp với các loại hình thư viện trên địa bàn như: Tủ sách pháp luật; điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách đồn biên phòng; thư viện - trường học và thực hiện tốt việc luân chuyển sách báo xuống cơ sở, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân, từng bước xây dựng xã hội đọc trong tương lai.
- Sáu là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách trong hoạt động thư viện (trong đó chú trọng xây dựng Luật Thư viện VN), nhằm tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho sự phát triển của các hệ thống thư viện Việt Nam.
Hoạt động thư viện là một công việc “lặng thầm và bình dị”. Nó không trực tiếp làm ra của cải, vật chất cho xã hội, song thông qua hoạt động của mình, nó sẽ góp phần làm giàu trí tuệ cho con người và như vậy, gián tiếp phục vụ cho lao động, sản xuất phát triển. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong bối cảnh nền kinh tế tri thức toàn cầu, chắc chắn thư viện sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng./.
Nguyễn Hữu Giới - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Việt Nam
Nguồn: Thông tin & Thư viện phía Nam số 37/2014