Hai mặt Tây Bắc của tháp là ngọn núi cao tựa thế tay ngai, hai mặt còn lại nhìn xuống bản Mường Và với các dãy nhà ngói san sát của người Thái, xa xa là thung lũng trồng lúa với suối Nậm Ca chảy qua như một dải lụa.
Tháp cao 15,6m. Trong đó chân móng 2,6m, tháp cao 13m. Chân móng tháp hình vuông, bó bằng gạch, mỗi chiều rộng 9,2m, cao 2,6m. Xung quanh mặt chân móng là đường chạy đàn, rộng trung bình 3,9m. Tháp được xây bằng gạch vồ, kích thước 35m x 15cm x 6cm, liên kết các viên gạch là vôi, cát. Tháp xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng. Tháp có hình trụ vuông, dạng bút tháp, được chia thành 5 tầng.
Tháp Mường Và là một công trình kiến trúc cổ, có lối kiến trúc gần với tháp Mường Luân (Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Niên đại của tháp Mường Và vẫn còn chưa được xác định rõ ràng bởi không có văn bia ghi lại.
Liên quan đến Tháp có thể có 2 ngôi chùa, mà dấu tích chỉ là nền: Một ở phía Tây Nam của Tháp, cách Tháp chừng 50m và một ở phía Đông Nam bản Mường Và, cách Tháp chừng 1,5km. Cả 2 đều tìm thấy nền móng và gạch vồ giống gạch xây Tháp. Theo lời kể của dân địa phương trước đây chùa tháp có thờ 8 pho tượng đồng, 4 pho tượng gỗ, 1 tượng thủy tinh, 1 trống gỗ cổ, 1 pho sách cổ.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa Tháp Mường Và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng di tích kiến trúc cổ cấp Quốc gia năm 1995.