Ngày 26/8/1945, nhân dân các dân tộc Sơn La đã giành được chính quyền cùng với nhân dân cả nước làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Chính quyền được thành lập nhưng chưa có Đảng bộ, tỉnh Sơn La với đặc điểm các cơ sở cách mạng phát triển mạnh dưới sự chỉ đạo của chi bộ Nhà tù Sơn La. Nhưng số lượng đảng viên ít, chỉ có hai đảng viên, lúc này, Trung ương Đảng cử đồng chí Dương Văn Ty dẫn đoàn phái viên của Chính phủ lên giúp Sơn La củng cố và xây dựng chính quyền, bồi dưỡng cán bộ địa phương, xây dựng khối đoàn kết toàn dân đó là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm nước ta. Tháng 4/1946 chúng từ Tuần Giáo đánh xuống Thuận Châu. Trước tình hình diễn biến của chiến sự, Sơn La gặp nhiều khó khăn khi chưa có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng, lúc này Sơn La chỉ có hai đảng viên sinh hoạt ghép cùng với Trung đoàn 148, do vậy công tác xây dựng Đảng được đặt ra hết sức cấp bách nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Tháng 6/1946, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quyết lên Sơn La thay đồng chí Dương Văn Ty và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7/1946 Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị cán bộ do đồng chí Trần Quyết chủ trì diễn ra tại bản Hát Lót, để nhận định và đánh giá phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Vừa làm nhiệm vụ chăm lo, đảm bảo đời sống cho nhân dân, vừa phải xây dựng lực lượng vũ trang.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 1/8/1946, công tác xây dựng Đảng tiến hành hết sức khẩn trương và thận trọng. Những cán bộ Việt Minh, đội viên đội tự vệ chiến đấu và những thanh niên trung thực, có nhiệt huyết cách mạng, có quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng đã được chọn làm đối tượng phát triển Đảng, được giáo dục thường xuyên, thử thách qua thực tế đấu tranh cách mạng và cao trào khởi nghĩa tháng Tám, những ngày đầu giành chính quyền và đấu tranh quyết liệt để giữ và củng cố chính quyền. Đội ngũ đối tượng Đảng ngày càng trưởng thành, là nguồn lực cho công tác xây dựng Đảng tại Sơn La. Đầu tháng 10/1946, 4 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, như vậy là đủ điều kiện để thành lập chi bộ độc lập, tách sinh hoạt với Trung đoàn 148.
Vào trung tuần tháng 10/1946, tại ngôi nhà sàn nhỏ vắng chủ (Ngôi nhà đã bỏ hoang) bên cạnh cây me to, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng được tổ chức bí mật dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quyết. Chi bộ được thành lập gồm có 8 đồng chí đảng viên: Trần Quyết, Bùi Thọ Chuyên, Đại Liên, Động Lực, Lò Văn Mười, Sơn Nhân, Nguyễn Văn Đức, Cầm Vang (Ngọc Tình).
Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt, phải trực tiếp lãnh đạo toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Sự kiện thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sơn La là bước ngoặt căn bản của cách mạng Sơn La, nhân dân các dân tộc Sơn La từ nay có sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, cùng nhân dân cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, sẵn sàng bước vào giai đoạn cách mạng mới đấu tranh giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, bản Hát Lót cũ không còn nữa, ngôi nhà sàn nhỏ cũng không còn thay vào đó là những khu phố mới, những cây me cổ thụ vẫn trường tồn cùng năm tháng với sự ra đời và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Sơn La, để ghi dấu sự kiện quan trọng của Đảng bộ tỉnh Sơn La, cây me tại bản Hát Lót đã trở thành dấu tích quan trọng được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.