Là người con của dân tộc Thái, Cầm Văn Lường tức Hoàng Nó (sinh năm 1925) được uống suối nguồn mát trong của nền văn hóa đặc sắc dân tộc Thái, được Đảng giác ngộ và trở thành nhà chính trị - nhà quản lý văn hóa - nhà thơ tiêu biểu nhất của vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng. Cả cuộc đời của ông gắn bó với sự nghiệp cách mạng, gắn bó với sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiều khóa. Ông sáng tác văn, thơ để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Là người cầm bút ngay từ những năm đầu cách mạng đến những năm cuối thế kỷ 20 và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cố nhà thơ Hoàng Nó thực sự là người chiến sỹ tiêu biểu trong đội ngũ những người cầm bút trên trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng hơn 80 năm qua. Các bài thơ của ông được in và tái bản nhiều lần, nhân dân cả nước biết đến ông qua những vần thơ được dịch sang tiếng Việt. Thơ ông đóng góp thêm cho sự phong phú, đa dạng của nền văn học Việt Nam.

Với tập thơ
“Tiếng hát mường hoa ban” gồm 13 bài thơ bằng chữ quốc ngữ và chữ Thái, càng khẳng định nhà chính trị - nhà thơ Hoàng Nó, đúng là “thơ với Đảng thật nặng duyên tơ”. Được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, lại có năng khiếu thơ ca, nhà thơ Hoàng Nó - người thanh niên dân tộc Thái tham gia đấu tranh cách mạng hăng hái, nhiệt tình, ra đi kháng chiến với tâm hồn thơ trong trẻo, khỏe khoắn. Thơ ca của ông đã hòa vào tiếng nói chung của cả dân tộc ngay từ những ngày đầu kháng chiến:
“Dưới bóng cây rừng mài miệt việc quân/ Lòng thanh thản bởi sáng ngời chân lý/…Những ai yêu nước thương nòi/ Hãy vững chí bền gan gian khó không sờn/ Không tiếc mồ hôi, máu đổ/ Cho tài trai xứng danh muôn thuở” (Ở vùng căn cứ). Ý thơ, lời thơ của ông như rừng cây đại ngàn, như dòng sông Đà cuốn phăng rác bẩn:
“Lửa cháy trong lòng sôi sục/ Tay gươm tay giáo mác xông lên diệt giặc Pháp tan tành” (Trở về bản cũ). Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn chìm trong đau thương dưới chế độ Mỹ - Ngụy, trong bài thơ
“Tây Bắc - Tây Nguyên”, nhà thơ Hoàng Nó đã khẳng định ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước:
“Đôi ta chung dải núi liền nơi/ Chung nước, chung dải đất/ Chung mường tổ tiên xây đắp”. Ý chí thống nhất ấy được thể hiện nhuần nhuyễn qua những hình ảnh về người dân miền núi:
“Chúng ta hai gióng tre cùng gốc/ Hai mắt cùng khuôn mặt/ Mắt trái đau mắt phải cũng đau/ Tây Nguyên chảy máu, Tây Bắc đau lòng/ Lửa đốt ngón tay, toàn thân đau đớn”. Thời gian từ năm 1955 đến những năm 2000, thơ văn của tác giả Hoàng Nó rất đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của cuộc sống. Viết về nhịp sống mới trên quê hương, nổi bật nhất là những dòng thơ viết về quá trình mở đường giao thông - con đường đoàn kết toàn dân. Hình ảnh cô công nhân làm đường thật khỏe, thật đẹp:
“Chắc tay búa - bắp tay thon/ Đập tan hòn đá tảng/…Mở đường rộng má ửng hồng/ Mắt sáng trong tựa ánh sao trời/…Sánh vai cùng nam nhi cao tiếng hát/ Dựng non sông phơi phới đẹp tuổi xuân”. Từ việc mở đường cụ thể, nhà thơ khái quát lên vấn đề lớn lao của đất nước:
“Vui sao cho đủ, cho đầy/ Cuộn tơ tằm nẩy lộc đâm chồi mới/ Nhựa keo sơn gắn chặt khối toàn dân/ Nối từ bản nhỏ vào lòng thủ đô” (Mừng chị công nhân làm đường). Những năm Sơn La cùng cả nước vừa xây dựng vừa đánh trả giặc Mỹ bắn phá, hình ảnh đối lập giữa thất bại thảm hại của kẻ thù với khí phách chiến thắng của quân và dân ta: “Trút lửa căm hờn thiêu xác quạ/ Từ đỉnh cao vít đầu chúng xuống”; đặc biệt nhà thơ Hoàng Nó có cách thể hiện độc đáo ở vùng miền núi, dân tộc, đó là hình ảnh đối lập giữa tên giặc lái và cô gái Thái với khăn piêu hào sảng:
“Giặc lái Mỹ lêu nghêu nhăn mặt khỉ/ Cúi đầu quỳ gối lạy “piêu” hoa” (Núi Hài Khau Cả). Một nét khá nổi bật trong thơ của ông thời kỳ này là có cái nhìn về cuộc cách mạng, kháng chiến, lịch sử, về Đảng mang tính chiêm nghiệm, đúc kết, khẳng định. Trong bài
“Lòng dân”, tác giả đã đan xen quá khứ và hiện tại. Những đau thương, oanh liệt xưa đã qua, cuộc sống mới đã đến. Lòng dân mãi mãi tin theo Đảng, theo cách mạng:
“Đảng vẫn bên dân đưa đường tranh đấu/…Chôn đời giặc Pháp, giải phóng bản mường/…Lúa đầy bồ, đủ ăn, đủ mặc ấm no, vui”. Năm 1960, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 30 tuổi, nhà thơ Hoàng Nó có bài thơ dài như một trường ca
“Tuổi Đảng - Tuổi Dân”. Bài thơ chính là một bài ca thể hiện cái nhìn toàn diện, tổng kết suốt chặng đường gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có vùng đất, con người và Đảng bộ Sơn La - Tây Bắc theo Đảng làm cách mạng, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trên quê hương mình:
“Nắng lên tỏa rừng cây ấm núi ngàn/ Ngào ngạt hương thơm đồng lúa chín/ Nặng trĩu bông, tay liềm, tay hái/…Cuộc sống có gấm hoa lụa hồng/... Thế giới hòa bình cùng chung sống/ Ta chúc mừng Đảng ta/ Ba mươi năm anh dũng kiên cường/ Đảng ta lớn mạnh, vững vàng hơn núi/ Công ơn Đảng nhiều hơn cát suối, sông…”.
Đọc những bài thơ của tác giả Hoàng Nó trong tập thơ
“Tiếng hát mường hoa ban”, chúng ta thấy hình ảnh tả thực thật sinh động, nội dung tư tưởng vững vàng, cách thể hiện trong sáng, giản dị, chất trữ tình đằm thắm, chất trí tuệ chói sáng. Mỗi vần thơ của ông đều sâu nặng tình Đảng, tình dân. Thơ ông là tiếng lòng, là bài ca ở mọi vùng, mọi người dân Sơn La - Tây Bắc; vừa sáng ngời chất thép mà vẫn ấm áp sâu nặng nghĩa tình, mãi mãi ấm áp, ngân vang và sâu lắng trong lòng người đọc.
Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!