global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

Tập thơ: “CẦU VÀO BẢN”

Thứ hai - 07/05/2018 03:52 2.573 0

Tập thơ: “CẦU VÀO BẢN”

       Cố nhà thơ Cầm Biêu (1920 - 1997) - Người con của dân tộc Thái, sinh ra trên mảnh đất Mường Chanh, Mai Sơn, Sơn La. Nguồn nước trong mát lành, thuần khiết của tinh hoa văn hóa dân tộc Thái đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ Cầm Biêu từ tuổi thơ ấu. Kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc Thái qua các hoạt động văn hóa dân gian, cuộc sống hàng ngày đã chắt chiu, vun đắp tâm hồn nhà thơ. Chàng trai Thái - thầy giáo trẻ Cầm Biêu lúc đầu sáng tác chỉ là những vần thơ đi vào lòng người bằng những lời ca tuyên truyền, rồi dần dần thơ ông ngày càng hiện đại lên, triết lý, triết luận hơn, sâu sắc hơn... Được các chiến sĩ cộng sản giác ngộ, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trên toàn quốc trong đó có Sơn La đã làm nên nhà thơ Cầm Biêu - Một trong những con chim đại bàng của thơ ca cách mạng ở vùng đất Sơn La - Tây Bắc và cũng chính là một trong những người có công đầu xây đắp nền văn học Sơn La từ đầu kháng chiến chống Pháp.
      Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác thơ ca của nhà thơ Cầm Biêu hòa quyện; ông vừa là nhà quản lý văn hóa văn nghệ của Đảng, vừa là nhà thơ dân tộc. Trong suốt cuộc đời, ông đã say sưa viết không biết mệt mỏi, tâm hồn ông như cánh chim giữa núi rừng ngày càng sải cánh. Năm 1982, Ty Văn hóa và Thông tin Sơn La đã tập hợp một số sáng tác thơ của ông và xuất bản tập thơ “Cầu vào bản”.
      Với lời thơ, ý thơ, hình ảnh thơ cụ thể, chân thực, có sức lay động lòng người, thơ của ông là tiếng nói tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến, tay sai, nêu lên nỗi khổ của người dân nô lệ. Tội ác của giặc không chừa một dân tộc nào, vùng nào, nhà thơ Cầm Biêu đã dùng hình ảnh sống động nói lên cảnh vùng cao rên siết: “Thời Pháp chiếm, đất trời u uất/ Cả vùng Mèo sôi lên buồn buột” (Thà chết không trở lại đời nô lệ); hay miêu tả cảnh khổ cực của các cô gái Thái thời giặc Tây bằng những hình ảnh sâu sắc: “Làm người thời giặc Tây khổ lắm chị em ơi/ Gái nhỏ thì sợ quan/ Gái tơ thì sợ lính” (Gái thời giặc). Trước cảnh nô lệ, quê hương bị giặc tàn phá, nhà thơ kêu gọi đấu tranh bằng những lời thơ tâm tình, sâu lắng nhưng rất mạnh, rất khỏe: “Giờ đây, yểng - láng kêu thức tỉnh ta dậy/ Chị em mình hết giấc ngủ say/ Đứng thẳng người cùng với nam nhi/…Cầm chắc súng đòi lại hạnh phúc” (Gái thời giặc) và nhất định:“Thà hy sinh không quay lại đời nô lệ/ Không nô lệ bọn giặc cướp nước…/ Miền Bắc mạnh dựng xây thêm mạnh/ Vững niềm tin vững chắc hậu phương/ Miền Nam anh hùng, đấu tranh bền chí/ Quyết tâm cao, vững chãi thành đồng…” (Ánh hồng Điện Biên).
      Trong thơ của ông, Đảng, Bác Hồ là mặt trời tỏa sáng xua đêm tối mênh mông, soi sáng tâm hồn và dẫn lối cho mọi người dân đất Việt. Từ khi có Đảng, Bác Hồ, người dân mới làm chủ cuộc đời, mới đoàn kết đứng lên chiến đấu quét sạch bọn cướp nước và bán nước: “Toàn dân ta một lòng một dạ/ Kết đoàn quanh Bác Hồ Chí Minh/ Giành lấy quyền độc lập từ tay giặc Pháp/…Các dân tộc chung lưng đấu cật/ Thành sức mạnh không gì phá nổi/ Giặc Tây giỏi gấp bội cũng thua” (Thà chết không trở lại đời nô lệ). Mùa thu năm 1954, Tây Bắc sạch bóng quân thù, nhà thơ Cầm Biêu đã viết: “Giờ đây ta thỏa lòng mong ước/ Hòa bình về giải phóng yên vui/ Nhờ Đảng Lao động và Bác Hồ Chí Minh/ Nhân dân ta nay có mặt trời” (Mường Muổi yên vui). Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, phản ánh hiện thực cuộc sống mới của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, nhà thơ Cầm Biêu đã viết từ cảm xúc về chiếc cầu nhỏ, phác họa được tương lai xán lạn, huy hoàng của dân tộc: “Mường của anh có cầu gang, cầu sắt/ Bản của em có cầu lim lõi chắc/…Cầu ta tuy bé, tình dài nghĩa sâu/ Theo cầu ta muốn đi đâu/…Đến Hà Nội vào thăm nơi gốc/ Đem lời răn cụ Hồ về bản làm ăn/…Cũng theo cầu này dẫn tới tim ta/ Sức ta lớn mạnh phải là/ Cầu gang cầu sắt, có ngày ta sẽ bắc/ Đường to, xe lớn ắt kéo vào bản ta (Cầu vào bản). Hình ảnh chiếc cầu nhỏ được nâng lên thành hình tượng của con đường cách mạng, của nhịp cầu nối liền tình đoàn kết các dân tộc và tinh thần quốc tế vô sản. Bài thơ Cầu vào bản” là một trong những bài thơ hay của thơ ca dân tộc Thái từ sau cách mạng tháng Tám và là một trong số những bài thơ thành công nhất trong cuộc đời hơn 50 năm sáng tác của nhà thơ Cầm Biêu.
      Qua những trang thơ trong tập thơ “Cầu vào bản” được giới thiệu bằng hai thứ tiếng, phần phiên âm bản chính và phần dịch tiếng Việt của tác giả, chúng ta có thể nhận thấy một số nét đặc sắc về nghệ thuật trong thơ Cầm Biêu: Ông dùng phương pháp ẩn dụ, mượn việc nhỏ để nói việc lớn, dùng hình ảnh đối lập; nhiều đoạn thơ, câu thơ tác giả đã đi vào chiều sâu nỗi lòng, tâm lý. Với lời thơ, ý thơ rất hàm xúc, trí tuệ, hình ảnh thơ sinh động có sức lay động lòng người. Nhà thơ dân tộc Thái Cầm Biêu luôn mãi là một trong những nhà thơ cách mạng người dân tộc đầu tiên, nhà thơ lớn của vùng Tây Bắc.
      Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!          

Tác giả bài viết: Phòng Địa Chí

Nguồn tin: Thư viện tỉnh Sơn La

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website thư viện tỉnh Sơn La?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay3,326
  • Tháng hiện tại18,581
  • Tổng lượt truy cập14,281,024
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây