Những chùm hoa “cút” treo trên vành nôi, tiếng nhạc của vòng vía, câu hát ru mênh mông của mẹ, của bà và những bài hát đồng dao là kỷ niệm tuổi thơ trong trắng của trẻ em dân tộc Thái. Đồng dao - Hát vui chơi của trẻ em người Thái - Những bài ca này như những quả nhạc vàng, khúc khích nơi cổ tay em bé... Đồng dao - Với ý nghĩa là mạch nguồn trong vắt vô tận, không ngừng róc rách khắp những nơi nào có trẻ, năm 1984, Sở Văn hóa và Thông tin Sơn La đã xuất bản cuốn
“Num num tẩu tẩu” gồm 28 bài đồng dao do Lò Vũ Vân và Lò Văn Cậy sưu tầm, dịch và biên soạn với mong muốn đây sẽ là những “nét bút văn hóa đầu tiên” của truyền thống dân tộc được viết lên tâm hồn trong trắng của trẻ thơ.
Lứa tuổi của đồng dao là lứa tuổi của các câu hỏi
“Vì sao - Thế nào - Ở đâu?”. Đó là lứa tuổi mà thiên nhiên, cuộc sống xã hội mở ra mênh mông trước cặp mắt ngạc nhiên, ham hiểu biết của trẻ em... Nội dung của các bài hát đồng dao trong cuốn
“Num num tẩu tẩu” vô cùng xúc tích, thường là minh họa cho các truyện cổ thần kỳ về sự tích loài vật, mượn các con vật trong thiên nhiên để tái hiện cuộc sống hiện thực của bản mường. Nhiều khi chỉ đơn giản là những đặc điểm của các loài cây, con, giống như những bài học thường thức… Ngoài những trò chơi có sự tương đồng và giao lưu văn hóa như:
Xin ăn dưa, Num num - tẩu tẩu,… còn có rất nhiều trò chơi mang đậm dấu ấn địa lý, văn hóa, phong tục như:
Gọi nắng lên, Gọi gió đến, Ve gọi chiều, Chơi trò chuột chí, Khóc hổ chết, Xòe, Cá bống cá bang, Chải đầu cho em, Ru em ngủ, Bướm ơi, Chọi trâu,… Hát đồng dao kết hợp nhuần nhuyễn với các trò chơi, góp phần làm nên một sự sống động, uyển chuyển, tươi sáng trong tâm hồn trẻ thơ, tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, sự nhận thức nhẹ nhàng, sâu sắc hơn về hiện thực cuộc sống.

Thiên nhiên trong đồng dao Thái là thiên nhiên nông nghiệp của nền kinh tế lâu đời tự cấp, tự túc, tự nhiên:
“Nắng ơi - Nắng/ Nắng lên nào/ Nắng cho người cả bản gặt lúc chín vàng/ Nắng cho người của mường thu mùa lúa chín...”. Nhưng có lẽ cái dáng vẻ thiên nhiên gần gũi với các em bé Thái hơn cả là những đồ vật, những con vật đã trở thành “bạn bè” và gắn liền với đời sống thơ ngây của các em:
“Con gì mặc áo sắt qua đường? - Con rùa/ Con gì mặc áo gang lặn nước? - Con ba ba/…Con gì ở núi, đồi biết thổi sáo? - Con ve xanh/…Con gì đánh thức người cả bản? - Con gà trống” (Đố cởi được). Còn đây lại là hình ảnh con bướm mà các em đã coi như những người bạn hiền hậu, thân thương:
“Bay thành dây bướm đàn/ Bay thành hàng bướm lượn/… Bướm ơi bướm?/ Bướm bay dài đông quân/ Đàn ruồi bay mặc bay/ Đàn bướm ghé chân nghỉ/ Hút thuốc với bé rồi hãy bay qua” (Bướm ơi). Nếu ở bài
“Đố cởi được” lời thơ là những câu đố đã chú ý vào thuộc tính dễ nhận biết của các con vật để các em dễ dàng phân biệt và nhận biết, thì ở bài
“Bướm ơi” lại đi vào tình cảm, các em và bướm như những người bạn tâm tình thân thiết. Con bướm bình dị nhưng thân thuộc với bao sắc màu của núi rừng Tây Bắc, của thế giới trẻ thơ bay vào lời ca một cách nhẹ nhàng, tự nhiên với một sự giao hòa, tạo nên cảm xúc thẩm mỹ khó phai và một tình yêu thiên nhiên trong sáng. Ở bài đồng dao
“Trăng ơi sao” lại tạo nên những niềm vui trong trẻo, hồn nhiên trước hiện thực cuộc sống:
“Trăng ơi - trăng/ Sao ơi sao/ Gái ơi - đang giã gạo/ Người già vừa nhổ râu, quấy cám cho lợn/ Con cua luôn tay xoắn thừng/ Con mòng quen ngủ ngày duỗi chân/ Con chồn sành thổi sáo/…Chuồn chuồn bay cấy ruộng/ Cà cuống chạy phát nương/ Gà con hái rau xanh lá mượt/ Con cuốc khéo mồm ru em ngủ”. Cuộc sống của người Thái Tây Bắc là cuộc đấu tranh với thiên nhiên để giành lấy ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống lao động đi vào trò chơi đồng dao như một bức tranh mộc mạc, khỏe khoắn. Ở bài
“Chơi trò chuột chí” thể hiện sự căm ghét loài vật chuyên phá hoại mùa màng:
“Chuột ơi chuột/ Chuột ơi chí/ Chị nàng chuột mắt lồi/ Anh chàng chuột chồi râu/…Hai trái trứng treo cổ/ Tìm uống nước kẽ đá/ Vạch lối cho chuột đi - đây này/ Vạch đường cho chuột đến - là đến/ Đến với sập đang chờ/ Đến với bẫy đang mong/ Chuột không đến chuột dại/ Không giết chuột - chuột khắc chết cong queo”. Từ ngôn ngữ, nhịp điệu, thanh điệu… đều thể hiện thái độ của con người với loài vật có hại, để rồi các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ mùa màng. Còn đây lại là cảnh hai con trâu chọi nhau, với những tiếng reo hò hồn nhiên đầy kịch tính:
“U - ụ!/ Trâu húc trâu huỳnh huỵch/ Trán mà bêu tao chữa/ Mắt mày lồi thì mặc/ Răng mày rụng ta đền/…Con nào thắng - được làm chủ cả đàn/ Con nào thua ta ăn thịt/ Lũ trẻ nhỏ giết quách ăn ngay” (Chọi trâu)… Ngoài trò chơi có tính mô phỏng thì lời ca với nhịp điệu và những hình ảnh sinh động đã diễn tả trung thực hiện thực, có giá trị nhiều mặt, giáo dục trẻ em bằng những hình thức vui, phù hợp với lứa tuổi của chúng.
Qua các bài đồng dao trong tác phẩm
“Num num tẩu tẩu”, trẻ em người Thái Tây Bắc không chỉ là người sáng tạo mà còn trực tiếp diễn xướng một cách thông minh. Đồng thời các em còn vận dụng một cách nhuần nhuyễn các yếu tố thần kỳ, ngụ ngôn, trào phúng… Tất cả tạo nên một bức tranh sống động, không chỉ có tác dụng giáo dục thẩm mỹ mà còn giúp các em nhận thức sâu hơn về hiện thực xã hội phong phú. Thông qua vui chơi, không chỉ giúp các em dần dần nhận thức mọi mặt của đời sống với một thái độ đúng, tin vào bàn tay lao động của chính mình, mà còn dần dần hướng các em tìm đến giá trị đích thực của chân - thiện - mỹ, như mạch nước nguồn tưới mát tâm hồn trong trắng của các em, gieo lên mảnh đất mầu mỡ ấy những hạt mầm tương lai, ươm những quả ngọt, trái sai cho những mùa màng hy vọng.
Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!