image banner

ĐỘI HOÀNG SA - BẮC HẢI VÀ LỄ KHAO LỀ THẾ LÍNH HOÀNG SA Ở ĐẢO LÝ SƠN
        Đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, từ cửa biển Sa Kỳ ra đảo mất khoảng một giờ canô. Thời các chúa Nguyễn, đảo Lý Sơn được gọi là Cù Lao Ré, gồm hai phường An Vĩnh và An Hải thuộc hai làng An Vĩnh và An Hải, tổng Bình Châu trong đất liền. Đến thời Gia Long, Cù Lao Ré được đặt là tổng Bình Hà, gồm hai xã An Vĩnh và An Hải (hai phường An Vĩnh, An Hải tách khỏi hai làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền và phường đổi thành xã), thuộc huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa. Từ năm 1945 đến nay, hai xã An Vĩnh, An Hải nhiều lần thay đổi tên gọi: Lúc thì Lý Vĩnh, Lý Hải; lúc thì Bình Vĩnh, Bình Yến. Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định lập thêm xã An Bình ở đảo Bé, hai xã An Vĩnh và An Hải vẫn được gọi theo tên ban đầu. Hiện nay, An Vĩnh, An Hải và An Bình là ba xã của huyện đảo Lý Sơn (thành lập ngày 1/1/1993) trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
         Trong suốt quá trình lịch sử, đảo Lý Sơn luôn gắn liền với công cuộc quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của đất nước Việt Nam. Bởi đây là nơi cung cấp “nhân tài vật lực” cho đội Hoàng Sa - Bắc Hải ngay từ buổi đầu thành lập (khoảng đầu thế kỷ XVII) cho đến khi kết thúc vai trò lịch sử (cuối thế kỷ XIX).
        Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, mở mang bờ cõi, các chúa Nguyễn, và kế đó là triều Nguyễn, đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của vùng biển, đảo rộng lớn thuộc chủ quyền của đất nước nên đã chủ động đưa dân ra xác lập chủ quyền trên các đảo ven bờ, khai khẩn đất đai, xây làng, lập ấp như trong đất liền. Đối với các đảo và quần đảo ở ngoài khơi xa, như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chưa đưa được dân đến ở, hằng năm, các chúa Nguyễn chọn lúc gió mùa thuận lợi, “trời yên biển lặng”, tổ chức các đội dân binh dùng thuyền câu đi đến các đảo, quần đảo làm nhiệm vụ canh giữ, quản lý và khai thác sản vật, thu lượm hải vật của tàu thuyền bị đắm... sau một thời gian (khoảng 6 tháng) trở về, đem nộp các thứ thu được cho triều đình. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, các đội “hùng binh” luôn luôn có mặt và hoạt động liên tục hàng mấy trăm năm trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa làm nhiệm vụ thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, như các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương...
          Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, viết về hoạt động của đội Hoàng Sa như sau: “Ngày trước họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi nhận lĩnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người 6 tháng lương. Họ chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo (tức đảo Hoàng Sa). Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ lượm được những đồ như: Gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong vàng, đồ chiên giạ, đồ sứ… Họ còn lượm nhặt những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những con ốc hoa thật là nhiều.
          Đến kỳ tháng Tám thì đội Hoàng Sa ấy mới về cửa Eo, rồi họ tối thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng hạng các sản vật rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Bấy giờ đội ấy được nhận lãnh bằng cấp trở về nhà. Những vật hạng lượm nhặt được ngoài biển có khi nhiều, khi ít không nhất định, cũng có lần họ ra đi rồi cũng trở về không [...]
          Vì yêu cầu nhiệm vụ, nhất là địa bàn hoạt động của đội Hoàng Sa quá rộng, nên về sau các chúa Nguyễn đặt thêm đội Bắc Hải, trực thuộc đội Hoàng Sa nhưng hoạt động về phía Nam như vùng đảo Côn Lôn, Hà Tiên..., bao gồm cả vùng quần đảo Trường Sa ngày nay. Tuy nhiên, do vùng này ít có tàu thuyền bị đắm nên hải vật lượm nhặt được ít hơn - không như ở Hoàng Sa. Do đó, đối với đội Bắc Hải, nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo vẫn là chính.
          “…Họ Nguyễn còn thiết lập thêm một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người làng Cảnh Dương (sát cửa biển Ròn), lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Quan địa phương cấp phát phó từ (tức văn bằng) và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác. Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò […] Nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải này, vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi, còn như vàng bạc và các của cải quý báu khác thì ít khi họ tìm được”. (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, quyển 2, tờ 82b - 85a).
          Đội Hoàng Sa do các chúa Nguyễn thành lập khoảng đầu thế kỷ XVII. Những dân binh được sung vào đội Hoàng Sa đầu tiên là người của các làng An Vĩnh, An Kỳ và An Hải, vùng Ba Làng An hai bên cửa biển Sa Kỳ (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và những ngư dân ở hai phường An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn. Về sau (khoảng đầu triều Gia Long), khi hai phưòng An Vĩnh, An Hải tách khỏi các làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền thì nhiệm vụ đi lính Hoàng Sa giao hoàn toàn cho hai phường An Vĩnh, An Hải ở đảo Lý Sơn đảm nhiệm... “Cùng với trách nhiệm luôn do thám ngoài biển, nếu thấy bọn ác phỉ trên tầu ngoài biển thì trình báo, những việc đó coi là bổn phận giữ gìn ngoài biển...”.
           Những người đi lính Hoàng Sa được miễn sưu thuế, miễn tiền qua đồn, qua đò v.v… như những người được sung vào đội Bắc Hải. Ngoài ra, dân hai phường An Vĩnh, An Hải còn được miễn vào đất liền đắp đê, miễn truy thu sưu, thuế của những người dân trong phường đào tẩu lâu nay...
           Nhiệm vụ của người lính Hoàng Sa rất nặng nề, “thân cô, thế cô” trên biển cả mênh mông trong suốt 6 tháng liền, đối mặt với muôn ngàn hiểm nguy, thường là “đi có về không”. Nhưng đây là lệnh của triều đình không thể thoái thác: “Trường Sa đi có về không/ Lệnh vua nên phải quyết lòng ra đi”. Do đó, 70 suất lính Hoàng Sa do triều đình ấn định, được phân đều cho các dòng họ trên đảo cử người đi cho đủ, theo nguyên tắc luân phiên mỗi người đi một năm và chỉ lấy người con trai thứ, con trai trưởng được ở nhà để thờ tự tổ tiên. Tuy nhiên, một người có thể đi nhiều lần, nhưng đó là tự nguyện. Những người đi Hoàng Sa nhiều lần thường là người có trọng trách chỉ huy - được triều đình bổ nhiệm. Người chỉ huy đội Hoàng Sa gọi là Cai đội. Ở Lý Sơn có nhiều Cai đội nổi tiếng, được sử sách lưu danh, được nhân dân và dòng họ tôn thờ, như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Cai đội Phạm Quang Ảnh (1815), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1936)... Trong đó, hai người có công lao đóng góp đặc biệt cho đội Hoàng Sa là Cai đội Võ Văn Khiết và Cai đội Phạm Quang Ảnh. Các ông đều hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, bỏ xác ngoài biển, nên sau khi mất đều được Vua ban sắc phong “Thượng đẳng thần”.
           Năm 1786, ông Võ Văn Khiết được Thái phó Tổng quản binh dân chư vụ Thượng tướng công nhà Tây Sơn, cử làm Cai đội Hoàng Sa và giao nhiệm vụ: “Đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, các vật quý đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ...”.
          Ông Võ Văn Khiết được coi là người đầu tiên ở Lý Sơn làm Cai đội Hoàng Sa, khi chết được Vua ban sắc phong Thượng đẳng thần, được nhân dân lập miếu thờ hiện nay vẫn còn và gọi là “Miếu ông Thắm”.
           Ông Phạm Quang Ảnh dưới triều Gia Long được cử làm Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Trong quá trình làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, lập nhiều công trạng nên khi chết ông được Vua ban sắc phong Thượng đẳng thần. Các ông Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh được xem là những vị “nhân thần”, được nêu tên trong các văn tế đình, tế miếu hàng năm ở đảo Lý Sơn.
          Nhận trọng trách với triều đình, cũng là với Tổ quốc, đội Hoàng Sa đi trên 4 hoặc 5 chiếc ghe câu (mỗi ghe có 14 đến 15 người) vượt biển đến khai thác sản vật, thu nhặt hải vật và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành trang của người lính Hoàng Sa ngoài chiếc thuyền nhỏ (điếu ngư) và lương thực, nước uống (đủ dùng trong 6 tháng), mỗi người lính Hoàng Sa còn phải chuẩn bị cho mình những thứ tối cần thiết khác gồm: 1 đôi chiếu, 7 đòn tre (dài 2 mét), 7 sợi dây mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, phiên hiệu, quê quán. Họ làm như vậy để nếu chẳng may tử nạn trên biển thì những người còn sống lấy chiếu bó xác, lấy đòn tre nẹp xung quanh, dùng dây mây buộc chắc chắn rồi thả trôi trên biển, hy vọng xác của họ không làm mồi cho cá mà sẽ trôi về đất liền, về quê hương Cù Lao Ré. Tục bó xác này gắn liền với tên gọi Hoàng Sa, ăn sâu vào tâm trí người dân trên đảo Lý Sơn như câu ca dao được lưu truyền: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.
           Lênh đênh trên sóng nước mênh mông, rong ruổi hết đảo này đến đảo khác trên các quần đảo và chống chọi với biết bao phong ba, bão táp để làm nhiệm vụ trong 6 tháng liền (từ tháng 3 đến tháng 8), sinh mạng của người lính Hoàng Sa như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và thực tế đã có không biết bao nhiêu người lính Hoàng Sa ra đi và đã nằm lại mãi mãi với biển cả mà không bao giờ được trở về. Nhưng ở quê nhà cha mẹ, vợ con vẫn trông mong họ từng ngày, nhất là đến tháng 8, khi mùa cá chuồn đã hết, cũng là thời điểm đội Hoàng Sa phải trở về kinh đô Huế, đem các sản vật thu lượm được nộp cho triều đình rồi lĩnh văn bằng trở về quê hương Cù Lao Ré. Đến lúc này gia đình mới biết được ai còn, ai mất...
          Qua tháng 8 mà không thấy người lính Hoàng Sa trở về, điều đó có nghĩa là họ đã hy sinh, mất xác trên biển. Để tưởng nhớ và giúp cho linh hồn họ mau “siêu thoát”, người thân trong gia đình mời thầy pháp dùng đất sét nặn tượng (hình nhân người chết), rồi lập đàn cúng tế, gọi (mời) vong hồn người chết trên biển về nhập vào hình hài đất sét (gọi là lễ chiêu hồn nhập cốt). Sau đó, đem tượng hình nhân đã được “nhập hồn” đó an táng như người thật. Những ngôi mộ này được gọi là “mộ gió” hay “mộ liếp”. Hiện nay, ở đảo Lý Sơn vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ gió ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Đây là khu nghĩa địa dành riêng cho lính Hoàng Sa, cũng như ở hai nghĩa địa của dòng họ Võ và họ Phạm dành chôn riêng những người trong dòng họ đi lính Hoàng Sa tử nạn.
          Ngoài những ngôi mộ gió - biểu tượng của hàng hàng, lớp lớp lính Hoàng Sa hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ở đảo Lý Sơn hiện nay còn bảo tồn được nhiều di tích gắn liền với đội Hoàng Sa - Bắc Hải:
           * Âm Linh tự, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, là nơi chính thờ lính Hoàng Sa, các vị tiên hiền và phối thờ các vị thần khác.
          * Đình làng An Vĩnh, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, trước kia là nơi làm lễ xuất quân đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ, cũng như lễ đón tiếp khi đội trở về. Nay là nơi thờ các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa.
           * Khu mộ gió ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Đây là nghĩa địa dành riêng cho lính Hoàng Sa. Là khu mộ chiêu hồn, nhưng trên mỗi  ngôi mộ đều có tên tuổi người chết.
              * Miếu Thành hoàng ở đình An Hải, là nơi thờ Bùi Tá Hán, Nguyễn Tú Tài và lính Hoàng Sa (người ở xã An Hải).
             * Miếu ông Thắm ở thôn Tây, xã An Vĩnh, là nơi thờ Cai đội Võ Văn Khiết là người đầu tiên được Tây Sơn Nguyễn Nhạc cử giữ chức Cai đội Hoàng Sa (năm 1786) và phong tước Hội Đức Hầu. Triều Nguyễn phong Thượng đẳng thần.
             * Mộ ông Võ Văn Khiết (mộ chiêu hồn), ở thôn Tây, xã An Vĩnh.
            * Nhà thờ họ Võ, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, nơi thờ thủy tổ tiền hiền họ Võ và những ngươi con của dòng họ đi lính Hoàng Sa tử nạn.
           * Mộ ông Phạm Quang Ảnh (mộ chiêu hồn), nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Ông là Cai đội Hoàng Sa thời Gia Long, được phong Thượng đẳng thần.
           * Nhà thờ họ Phạm, ở xã An Vĩnh, nơi thờ thủy tổ tiền hiền họ Phạm và những người con của dòng họ đi lính Hoàng Sa tử nạn.
            * Khu nghĩa địa lính Hoàng Sa của dòng họ Võ.
            * Khu nghĩa địa lính Hoàng Sa của dòng họ Phạm.
            * Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. (Di tích phi vật thể).
            Trong số những di tích có liên quan đến đội Hoàng Sa kể trên, có thể nói “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”, là di tích phi vật thể mang dấu ấn đậm nét nhất về đội Hoàng Sa. Nó khác với những lễ hội thông thường, không chỉ về nội dung và hình thức tổ chức, mà trong đó hàm chứa bao ý nghĩa về tâm linh, về lịch sử, về chủ quyền biển đảo, về sự hy sinh và lòng yêu nước, về phong tục tập quán của nhân dân đảo Lý Sơn v.v... Một lễ hội giàu tính nhân văn thể hiện sâu sắc đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” - được người dân ở đảo Lý Sơn nâng lên thành lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”!
            Ở Lý Sơn, hằng năm vào tháng hai Âm lịch các dòng họ đều tổ chức “Cúng việc lề” (giống như chạp mã, giỗ tộc đối với các dòng họ của ngưòi Việt trong đất liền). Trước là để nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà đã sinh thành, gây dựng nên dòng tộc, sau là tạo điều kiện cho con cháu gặp gỡ để nhận biết bà con, tránh những sai trái trong hôn nhân, những bất đồng đáng tiếc trong cuộc sống, thắt chặt thêm tình bà con thân tộc... Đó là việc làm thường xuyên mỗi năm một lần theo lệ (lề), vì thế mà gọi là “Cúng việc lề”. Nhưng từ khi có đội Hoàng Sa và có người đi lính Hoàng Sa hy sinh, trong lễ cúng việc lề của các dòng họ có thêm phần lễ “Tế lính Hoàng Sa”, tưởng nhớ đến những người lính Hoàng Sa hy sinh trên biển, cầu cho linh hồn họ mau “siêu thoát” về với tổ tiên, ông bà… Tuy nhiên, người lính Hoàng Sa không phải đi làm nhiệm vụ cho dòng họ, mà là cho Tổ quốc - thực hiện mệnh lệnh của triều đình, vì thế mà Nhà nước (đại diện ở đây là làng, xã) đứng ra làm lễ tại đình làng. Do đó, ngoài các tộc họ tổ chức lễ Tế lính Hoàng Sa, trong dịp Cúng việc lề, làng (xã) cũng đứng ra tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Thực chất, đây là nghi thức của lễ xuất binh và cũng là lễ cầu an cho những người lính Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ.
           Sự khác nhau về ý nghĩa giữa lễ “Tế lính Hoàng Sa” ở nhà thờ tộc với lễ “Thế lính Hoàng Sa” ở đình làng là: Vật phẩm trong lễ cúng ở nhà thờ tộc là nhằm “hiến tế” cho thần linh và cầu mong cho linh hồn những người lính Hoàng Sa trong dòng họ mau siêu thoát. Còn vật phẩm trong lễ cúng ở đình làng là nhằm “hiến thế” cho thần linh, thế mạng sống cho người lính Hoàng Sa sắp đi làm nhiệm vụ. Vật phẩm quan trọng nhất không thể thiếu trong lễ cúng là các “hình nhân thế mạng”, mỗi hình nhân thế mạng đều được ghi tên, tuổi một người lính Hoàng Sa đang trực tiếp đứng hầu trong suốt buổi lễ. Qua những lời khấn cầu, gọi là “thần chú” của người thầy cúng (thường là thầy pháp phù thủy) đối với bà Thủy Long Vương và các vị Thủy thần, làm cho người lính Hoàng Sa tin rằng sinh mạng của mình đã được hiến tế cho thần linh (coi như đã có người chết thay cho mình rồi) mà ở đây là các hình nhân thay thế, từ đó mà an tâm ra đi.
             Trình tự buổi lễ ở nhà thờ tộc và ở đình làng như sau:
           + Lễ ở nhà thờ tộc: Về thời gian, tùy theo mỗi dòng họ chọn một ngày trong khoảng từ 16 đến 20/2 Âm lịch, (có thể làm trùng ngày với nhau). Việc chuẩn bị cho buổi lễ do tộc trưởng bàn bạc với các chi phái và phân công chuẩn bị từ trước, gồm mâm lễ cúng Tổ tiên ở trong nhà và mâm lễ tế lính Hoàng Sa ở ngoài sân. Vật lễ cúng tổ tiên, ông bà, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi dòng họ, nhưng những thứ bắt buộc phải có là: Đĩa muối, bát gạo, ly nước lã, trầu cau, rượu, vàng mã... Mâm lễ cúng ngoài sân tế lính Hoàng Sa gồm có: Trầu cau, rượu, vàng mã, 1 con gà luộc, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nham (cá mập), thịt heo, chè, xôi... Bên cạnh bàn cúng chính còn có 1 mâm nhỏ bày gạo, muối, nước lã, củi, mắm, nồi niêu v.v... những thứ mà người lính Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền khi đi làm nhiệm vụ và đặc biệt là chiếc thuyền lễ. Thuyền lễ là một chiếc ghe câu giả (mô phỏng theo chiếc ghe câu thật), đáy ghe làm bằng thân chuối, thân ghe sử dụng nan tre làm khung rồi cắt giấy điều dán kín. Cấu tạo bên trong cũng giống như của ghe thật, thân ghe chia nhiều khoang, buồng lái, cột buồm, dây buồm, mũi và đuôi ghe. Trên ghe người ta cắm một lá cờ ngũ hành và 5 lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, tất cả đều làm bằng giấy. Ở khoang lái người ta đặt bốn hình nhân độn rơm, hoặc cắt bằng giấy điều. Linh vị những người lính Hoàng Sa - có bao nhiêu người lính Hoàng Sa hy sinh thì có bấy nhiêu linh vị - được làm bằng giấy cứng, có nẹp tre phía sau và được cắm trên đài cây chuối (cắt theo chiều ngang thân cây chuối), linh vị ghi tên tuổi người chết, trước mỗi linh vị có thắp một cây nến. Thuyền lễ và đài linh vị được đặt cạnh nhau phía bên tả bàn cúng.
            Bắt đầu lễ cúng, vị tộc trưởng (giữ vai trò chủ tế, trưởng các phái là bồi tế), lên đèn, đốt hương cáo tế tổ tiên ở trong nhà xong mới tiến hành cúng ở ngoài sân. Lễ cúng ở ngoài sân (còn gọi là lễ hiến tế) bao giờ cũng có sự tham gia của thầy phù thủy. Sau khi pháp sư làm các nghi thức bùa phép trước bàn cúng, đến tộc trưởng đọc văn tế cúng. Kết thúc lễ tế, pháp sư đặt các linh vị và lấy các phẩm vật cúng tế (mỗi thứ một ít tượng trưng), đặt vào thuyền lễ, rước ra bến ghe. Tại đây, sau khi pháp sư vái lạy tứ phương, cầu mong cho hương hồn người lính Hoàng Sa mau siêu thoát, về với tổ tiên ông bà, chiếc ghe được thả xuống nước và được một người trong dòng họ dìu ra khơi cho ghe trôi ra biển.
              Buổi lễ tế ở nhà thờ tộc, có thể kéo dài từ 2 đến 3 ngày (tùy theo từng dòng họ) và bắt đầu từ ngày 16 hay 17/2 Âm lịch, để đến ngày 19 và 20/2 Âm lịch làm lễ thế lính Hoàng Sa ở đình làng.
            + Lễ ở đình làng An Vĩnh: Ở Lý Sơn có hai đình An Vĩnh và An Hải, nhưng do ở làng An Vĩnh có nhiều người đi lính Hoàng Sa và đình làng được xây dựng bề thế hơn, nên được chọn làm nơi tổ chức lễ xuất binh đồng thời cũng là lễ cầu an của đội Hoàng Sa tức là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Sau này khi không còn đội Hoàng Sa, đình làng An Vĩnh vẫn là nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nhưng vào ngày 16/3 Âm lịch hàng năm. Trước kia buổi lễ được tổ chức vào ngày 19 và 20/2 Âm lịch - trùng với lễ tế đình đầu năm, (lễ tế đình cuối năm là ngày 20/8 âm lịch).
             Cũng như lễ cúng ở nhà thờ tộc, lễ ở đình làng cũng gồm hai phần là lễ Tiên thường (còn gọi là lễ Nhập yết) và lễ Chính thường. Lễ Tiên thường được tổ chức vào tối ngày 19, do ông Cả làng làm chủ lễ, với sự có mặt đông đủ của các vị chức sắc và đại diện các tộc tiền hiền trong làng. Vật phẩm cúng lễ Tiên thường rất đơn giản, chỉ là bàn trầu, mâm rượu và hoa quả. Sau khi kiểm tra các vật phẩm cúng lễ đầy đủ, chủ lễ cùng các vị bồi lễ dâng hương trong tiếng nhạc ngũ âm trầm bổng, trang nghiêm. Ngoài việc dâng hương bái lạy các vị Tiền hiền, chủ lễ còn khấn vái xin phép thần linh được giết heo, gà... để làm vật phẩm cho buổi lễ Chính thường ngày hôm sau. Lễ Tiên thường kết thúc trong ba tuần rượu (sơ hiến, á hiến và chung hiến).
            Ngày 20 tiến hành lễ Chính thường. Từ sáng sớm, các vị chức sắc, bà con trong các dòng họ và toàn dân ăn mặc chỉnh tề tập trung đông đủ về đình làng để dự lễ. Vật phẩm cúng lễ ngoài trầu cau, gạo muối, nổ, nước, rượu, vàng mã, chè xôi, thịt cá v.v... và 6 thuyền lễ (đại diện cho 6 tộc họ trong làng An Vĩnh là: Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Quang, Phạm Văn, Lê và Nguyễn). Cấu trúc thuyền lễ giống như thuyền lễ ở nhà thờ tộc, chỉ khác là ở đây các hình nhân không mang linh vị người lính Hoàng Sa đã chết mà mang thẻ bài ghi phiên hiệu, tên tuổi người lính Hoàng Sa sắp đi làm nhiệm vụ. Có bao nhiêu người lính Hoàng Sa sắp đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa thì có bấy nhiêu hình nhân thế mạng.
          Phân ngôi vị trong buổi lễ như sau: Ông Cả làng giữ vị trí Chủ tế đứng ở chính giữa trên trục thần đạo tại gian chính của đình. Hai bên là hai thầy phù thủy và 4 học trò làm nhiệm vụ bưng đèn, rượu và trầm hương. Kế sau là hai vị Bồi tế (xưa kia là Lý trưởng và Hương bộ), rồi đến các vị chức sắc khác trong làng. Hai gian bên tả, hữu là vị trí đứng của hai chủ xóm Đông và Tây, cùng với 6 tộc trưởng, 6 chủ lân và 1 chủ vạn, 1 trùm vạn Vĩnh Thạnh (chia đều 2 bên tả hữu và đứng theo thứ tự trước sau kể trên), làm nhiệm vụ Đông phối và Tây phối. Chủ tế và Bồi tế mặc áo dài thụng màu xanh, các vị trí khác mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng. Tất cả đều đội khăn đóng, theo màu áo.
           Bắt đầu buổi lễ, vị Chủ tế đốt hương bái lạy, cáo với thần linh, với các vị tiền hiền, hậu hiền... về nhiệm vụ của đội Hoàng Sa. Cầu mong ơn trên phù hộ, độ trì cho đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, được mạnh khỏe bình an, đi đông về đủ, mọi việc hanh thông... Tiếp theo lời cầu khấn của Chủ tế, đến lượt thầy phù thủy làm ấn pháp, gửi gắm hình nhân thế mạng và đọc văn tế. (Cũng có khi chọn người có giọng đọc tốt, âm điệu du dương trầm bổng có sức truyền cảm để đọc văn tế, chứ không nhất thiết thầy phù thủy phải đọc).
           Xong phần đọc văn tế là đến nghi lễ dâng trà rượu, dâng đèn của học trò hầu lễ. Gồm 6 người mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ cánh chuồn, chân bó tất, sắp hàng một, nhịp bước theo tiếng nhạc, chân đi hình chữ chi, tay khuỳnh trước trán nâng đèn, trà rượu tiến vào điện thờ theo sự điều khiển của vị Chủ tế. Đèn được cấu tạo như một đài hoa, được thắp sáng bằng nến, có tác dụng soi đường cho các vị Chủ tế, Bồi tế đi đến từng điện thờ làm các nghi lễ: Châm rượu, châm trà, bái, lạy...
           Quá trình hành lễ có nhạc bát âm xướng tấu và sự hiện diện của những người đi lính Hoàng Sa - Người đi lính Hoàng Sa dưới sự chỉ huy của Cai đội Hoàng Sa sẽ đứng hầu suốt thời gian tế lễ. Tên tuổi của người lính Hoàng Sa viết trên thẻ bài cũng được vị Chủ tế xướng lên (từng người một) để cáo với thần linh, tổ tiên và được vị Chủ tế phát tượng trưng gạo, muối, binh lương...
            Kết thúc là lễ rước ghe bầu (thuyền lễ) ra nơi bến ghe (Bến đình An Vĩnh). Tại đây, sau khi thầy phù thủy làm ấn phép, vái tạ tứ phương, những chiếc ghe được thả xuống nước và dìu ra khơi để cho trôi về biển Đông... Lúc này, dưới sự chỉ huy của Cai đội Hoàng Sa, 70 lính Hoàng Sa lần lượt xuống những chiếc ghe bầu neo đậu tại bến đình, vẫy tay tạm biệt người thân và nhân dân ra tiễn, khởi hành ra đi…
            Trong suốt gần ba thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX) đội Hoàng Sa - Bắc Hải không ngừng hoạt động để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Biết bao nhiêu người đã hy sinh, lớp lớp người đã ngã xuống và nằm mãi với biển cả mênh mông, trùng khơi sóng nước. Họ hy sinh như “những hùng binh” - theo lời tuyên dương của vua Tự Đức. Tên tuổi của họ, hình bóng của họ vẫn còn mãi trong lòng nhân dân Lý Sơn nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung - thông qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Cũng vì thế mà Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2013).
Tác giả: Võ Cao Lợi (T.H sưu tầm)

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang