image banner

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM TRONG VĂN HỌC THIẾU NHI

         Hoàng Sa và Trường Sa, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, là những vùng biển đảo thiêng liêng ở nơi khởi đầu của những ngọn sóng biển Đông và luôn gắn bó máu thịt với Mẹ hiền Tổ quốc.
         Hiểu biết về biển, đảo quê hương, thấu hiểu những dấu ấn của biển, đảo trong lịch sử - văn hóa Việt Nam, cũng như nhận thức được vai trò, vị trí và ý nghĩa của biển, đảo trong thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta không chỉ là tri thức cần thiết, mà còn là nghĩa vụ, là lương tri để gây dựng lớp người Việt Nam hôm nay niềm tin tưởng sâu sắc và quyết tâm tiếp nối truyền thống của bao lớp ông cha đi trước, trong quá trình chiếm lĩnh, khai thác và bảo vệ biển, đảo quê hương, đưa Việt Nam nhanh chóng và đĩnh đạc hội nhập vào cộng đồng khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ hiện nay.
         Với mong muốn góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biển đảo và chủ quyền biển đảo; cuốn sách ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng đã phản ánh những góc nhìn sinh động và chân thật về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận của biển Việt Nam, về cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa qua các bức ảnh chụp với nhiều chủ đề: Biển, trời của ta; Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa; Khởi nguồn sự sống; Những cư dân nhí; Sức sống giữa trùng dương; Làm giàu từ biển... của các tác giả Đoàn Bắc, Trịnh Phú Sơn, Nguyễn Hồng Kỳ. Tổ quốc nơi đầu sóng là hành trang không thể thiếu của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và cũng là món quà đầy ý nghĩa dành tặng cho các em nhỏ yêu thương trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

                                                           


         Bên cạnh đó, tập sách Trong giông gió Trường Sa đã giới thiệu những bút ký đặc sắc của các nhà văn nổi tiếng như: Duy Khán, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Phương Đông, Nguyễn Đình Tú và Sương Nguyệt Minh. Với nhiều bút pháp thể hiện khác nhau nhưng hình ảnh và hơi thở cuộc sống của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và những cư dân của Trường Sa hiện lên rất chân thật và tràn đầy cảm xúc. Vượt lên biết bao hiểm nguy, gian khó và cả thiếu thốn những con cháu Lạc Hồng trong thời đại mới vẫn kiên cường bám trụ giữa biển trời bão tố để canh giữ và bảo vệ trọn vẹn Tổ quốc và biển đảo thân yêu.


                                                                              


          Cũng nằm trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam, cuốn Đoàn tàu huyền thoại của tác giả Cao Văn Liên chứa đựng những ký ức vô giá của người cựu chiến binh về đoàn tàu không số và con đường Hồ Chí Minh trên biển, tác giả đã kể lại một cách ngắn gọn và đặc biệt mô tả những thời khắc nguy nan, hiểm nghèo nhất mà các chiến sĩ quả cảm của đoàn tàu không số phải đối mặt qua các bài viết như: Con tàu không trở lại; Chuyến đi mở đường; Vượt qua cửa tử; Thi gan giữa biển khơi; Chở thủy lôi; Sự cố Vũng Rô; Nhanh hơn máy bay; Như một huyền thoại; Cuộc hải chiến không cân sức; Đột phá vòng vây; Giải phóng Trường Sa... Qua đó, giúp các bạn nhỏ hiểu rõ thêm về những chiến công oanh liệt, sự hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của những người chiến sĩ hải quân và những con tàu không số đã trở thành huyền thoại bất tử sống mãi cùng non sông đất nước. Những lớp sóng biển Đông vỗ bờ mãi nhắc nhở và khắc ghi công ơn những người con anh hùng đã ngã xuống vì non sông đất Việt…
          Cuốn sách Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2014 sẽ là con tàu tốc hành đi trong không gian đưa các em đến với cuộc hành trình thú vị ra khơi thăm biển đảo quê hương. Song Tử Tây là đảo đến đầu tiên trong cuộc hành trình. Ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây hướng mặt ra biển, lộng gió sóng, nhưng thoảng tiếng chuông chùa làm lắng lại trong tâm tư hồn người nỗi nhớ đất liền, xa cách mà vẫn thấy gần gũi, ngỡ như đang ở một làng quê trên đất mẹ Việt Nam bao đời bình yên, thanh thản… Giữa muôn trùng khơi ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa những người lính nơi đầu sóng ngọn gió luôn giữ vững niềm tin, chắc tay súng, quyết tâm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

                                                                     
              
         Việc đến thăm các đảo và quần đảo ven bờ như: Quần đảo Vân Hải, quần đảo Cô Tô, quần đảo Cát Bà, quần đảo Phú Quý… và các đảo trong hệ thống quần đảo Trường Sa như: Đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông, đảo Trường Sa Lớn, đảo An Bang… sẽ giúp các bạn nhỏ nhận biết vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của các đảo nổi, đảo chìm giữa biển Đông; đồng thời hình dung rõ nét về cuộc sống sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Các em còn có cơ hội được thỏa thích khám phá thế giới tự nhiên kỳ lạ và giàu có trên đảo như: Sức sống diệu kỳ của các loài cây muống biển, sâm nam, phong ba, bàng vuông và cây bão táp… cùng sự hiện diện của vô vàn các loại chim chóc, tôm cá và các loài sinh vật biển: Chim hải âu, hải yến, đại bàng biển, sơn ca, san hô, vích, hải sâm, cá chim, cá thu, cá nhụ, cá đé, cá hồng, cá mú, cá bò, cá heo… 
           Còn bây giờ, mời các em chúng ta cùng thực hiện một cuộc chu du mới theo thời gian: Lần giở những trang sử mà ông cha ta đã để lại cùng sự hỗ trợ của những cuốn sách cổ, những tấm bản đồ, những tờ chiếu chỉ, tấu trình trong đó có không ít tư liệu về các vùng lãnh thổ của nước ta nói chung và về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng… để quay trở về các thời kỳ lịch sử: Lê Thánh Tông, vị hoàng đế coi trọng từng thước núi, tấc sông của tổ tiên; Phủ biên tạp lục - cuốn sách cổ mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, Trường Sa; Tìm về cái nôi của đội Hoàng Sa; Đội Hoàng Sa trong biến thiên của lịch sử; Theo chân những người lính Hoàng Sa; Mở trang sách giáo khoa thời Tự Đức; Biên niên sử Hoàng Sa, Trường Sa thời thuộc Pháp; Vua Bảo Đại với đạo dụ về Hoàng Sa; Biển Đông dậy sóng… Máu, nước mắt, mồ hôi… kể sao cho hết cái giá mà tiền nhân đã phải trả để dựng lên được cơ đồ nguy nga, hùng vĩ soi bóng xuống biển Đông. Mỗi thước đất, mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tảng đá dù gập ghềnh, khi nổi, khi chìm nơi đầu sóng đều là di sản thiêng liêng, có được nhờ sức lao động quật cường và sự hi sinh anh dũng của tổ tiên từ thế hệ này sang thế hệ khác.
            Tác giả Nguyễn Xuân Thủy - Một chiến sĩ đã có những năm tháng sống và làm việc trực tiếp tại Trường Sa trong tác phẩm Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2014 cũng sẽ đưa các em ghé thăm hầu hết các đảo để biết thêm về cuộc sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật... trong quần đảo Trường Sa qua từng trang viết như: Ra đảo; Mùa biển lặng; Mùa biển động; Kỳ thú biển trời Trường Sa; Thám hiểm đáy biển Trường Sa; Những người giữ đảo… Các em sẽ có nhiều hứng thú trong chuyến đi bằng câu chữ hình ảnh hôm nay và ngày mai được thực sự cưỡi sóng ra khơi đến Hoàng Sa, Trường Sa, bước đi trên đất liền hay biển cả đều là đất nước, quê hương mình: Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa.

                                                                                          

          Qua chùm sách về biển đảo Việt Nam do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, các em sẽ càng thấy thêm yêu quê hương đất nước mình hơn và thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn và cho cả thế hệ mai sau.

Tác giả: Thúy Hồng

 

- Bản quyền thuộc về Thư viện tỉnh Sơn La
Địa chỉ : Thư viện tỉnh Sơn La - Tổ 8 - Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La
Điện thoại : 0212.3852.044 hoặc 0212.3859.418 - Fax:0212.3852.044
Email : thuviensonla@gmail.com - thuvientinhsonla418@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Sơn La" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang