Nói tới văn hóa Thái Tây Bắc là nói tới một nền văn hóa lâu bền và rực rỡ. Sống giữa núi rừng Tây Bắc nên thơ và hùng vĩ, với tâm hồn trong sáng, mộc mạc, giàu lòng nhân ái, người Thái đã sớm tạo lập cho dân tộc mình một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo, giàu chất thơ.
Là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhưng lại là dân tộc đa số ở Tây Bắc, văn hóa dân tộc Thái có ảnh hưởng lớn tới văn hóa của các dân tộc trong vùng và góp phần quan trọng trong việc hình thành, tạo lập nên bản sắc văn hóa của vùng đất nơi biên cương của Tổ quốc. Cuốn Văn hóa Thái những tri thức dân gian của tác giả Đặng Thị Oanh do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2011 với độ dày 200 trang in sẽ đem tới cho bạn đọc những góc nhìn hết sức thú vị về hình tượng hoa ban và cầu thang nhà sàn Thái, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm được phần nào về truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em.
Như một nét văn hóa độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho núi rừng và con người ở nơi đây, hoa ban - loài hoa diệu kỳ đã gắn bó mật thiết với thiên nhiên và đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng đất hùng vĩ hoang sơ và đầy bí ẩn này; Trong tâm thức của người Thái, hoa ban tượng trưng cho khát vọng về một cuộc sống sinh sôi nảy nở; Ước vọng mãnh liệt cháy bỏng về tình yêu lứa đôi tự do, trắng trong chung thủy. Hoa ban còn là hoa của ước mơ trường thọ của thiên nhiên, hoa của lòng biết ơn, đạo hiếu thảo, hoa của vẻ đẹp nhân nghĩa bất khuất kiên cường… Vì vậy, người Thái thường dùng hoa ban làm lễ vật dâng cúng để bày tỏ tấm lòng kính yêu biết ơn chân thành đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với các vị thần linh.
Đất trời Tây Bắc khi bước vào xuân có một vẻ đẹp riêng, ít nơi nào có được với những cành ban nở trắng trên khắp đỉnh đèo, sườn núi, thung sâu. Cùng với các loại hoa khác hoa ban đã góp phần dệt nên tấm áo lung linh kỳ ảo của rừng xuân Tây Bắc, tạo nên cảm hứng trong lòng người, tạo nên vẻ đẹp sức sống của mùa xuân. Trong các lễ hội mùa xuân như: Hội hái hoa ban, lễ Kin lẩu ló, lễ Xên bản, xên mường, hội xòe... hoa ban không chỉ là những vật trang trí có tác dụng làm đẹp mà còn trở thành những vật phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ cầu cúng đồng thời là phương tiện nghệ thuật đặc sắc giúp nam nữ thanh niên Thái bày tỏ tư tưởng tình cảm của mình trong các cuộc hát giao duyên: Khắp Xai peng, Khắp báo sao…Hoa ban với vẻ đẹp diệu kỳ vốn có của mình đã tạo cho các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái thêm quyến rũ và lãng mạn qua những câu hát dân ca của các chàng trai, cô gái đang độ xuân thì: Má em yêu trắng hồng như hoa ban/ Má em yêu thắm màu hoa mạ/ Má thắm nồng lòng em không ngả/ Má trắng trong lòng em không nghiêng… Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ/ Ta yêu nhau khi ban nở trên cành/ Ban sẽ héo mong ban trở lại cành/ Ban sẽ rụng mong ban rụng về gốc…
Đặc biệt hoa ban còn là chủ đề nổi bật và xuyên suốt trong các truyện kể dân gian của dân tộc Thái như: Hoa ban; Đôi bạn tình và cây hoa ban; Nàng Ban và chàng Khun; Sao Ban; Chim chổm bó và cây hoa ban…Ở thể loại văn học này hoa ban tượng trưng cho những ước mơ, những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn tính cách của người Thái, làm cho các tác phẩm văn học dân gian thêm phần thi vị và mang giá trị nhân đạo sâu sắc.
Dân tộc Thái xưa nay coi hoa ban là thứ hoa của tình yêu, hạnh phúc, lòng chung thủy vì vậy trong văn vần dân gian Thái vẻ đẹp trinh trắng, thanh cao của hoa ban đã được ví với tình yêu trong sáng đến thuần khiết và thắm thiết đến vô ngần của bao đôi trai gái: Anh ơi/ Tình ta đẹp như hoa ban/ Còn dài lâu như hoa nào/ Hỡi người yêu dấu…Hoa ban còn là hình tượng thể hiện ước vọng về một tình yêu thủy chung sâu sắc, không tính toán vụ lợi, không gì có thể chia cắt nổi: Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/ Không thấy ngày ban tàn/ Không tính tháng không tính năm/ Mãi mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau…Hoa ban - ước mơ trường thọ của tâm hồn trẻ mãi không già nhờ nghị lực của tình yêu và sự hài hòa của vũ trụ: Trăm mùa ngắm hoa ban nở còn ngắm mãi/ Mỗi mùa ban lại thêm trẻ ra không già…Đối với dân tộc Thái, hoa ban luôn đại diện cho những gì đẹp đẽ trong sáng và cao quý. Từ khi sinh con ra cũng như trong suốt quá trình nuôi con khôn lớn, đồng bào Thái luôn mong muốn con mình được khỏe mạnh, xinh đẹp như cây hoa ban - một thứ cây có sức sống mãnh liệt, một thứ cây nở một loại hoa tuyệt diệu, được mọi người yêu thích: Mẹ nuôi con nhỏ vất vả/ Nuôi con út mong con khôn lớn thành người/ Con khỏe con đẹp mãi như cây hoa ban…Là một hình tượng nghệ thuật vô cùng đẹp đẽ và quen thuộc hoa ban đã làm phong phú, làm giàu thêm vốn tri thức văn hóa dân gian; Luôn là chất men nồng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của con người, tạo nên giá trị nhân văn cho tác phẩm văn học.
Bên cạnh hình tượng hoa ban, chiếc cầu thang nhà sàn cũng trở thành một hình tượng rất đỗi quen thuộc trong văn học dân gian Thái. Trong các câu phương ngôn, tục ngữ Thái tác giả dân gian đã mượn hình ảnh cầu thang để khuyên bảo con người ta khi làm bất cứ việc gì cũng phải xem xét suy tính thì mới có kết quả tốt: Lên thang xem bậc/ Đẵn cây xem hướng cành. Hay dùng để lên án, chế giễu những thói hư tật xấu của con người như thói ham chơi lười lao động: Làm nương lười cầm rìu/ Làm ruộng bừa không nhấc/ Vào rừng sợ lá han/ Không lúc nào xuống khỏi cầu thang. Việc đi lại trên cầu thang cũng trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức của con người trong gia đình và trong xã hội Thái. Nhất là đối với những cô dâu khi mới bước chân về nhà chồng: Bậc thang cùng đừng ngồi/ Ghế bố chồng chớ dựa/ Anh chồng đẹp đừng tán. Với thể loại ca dao, dân ca đồng bào Thái đã mượn hình ảnh chiếc cầu thang để diễn tả, gửi gắm tâm tư tình cảm của mình. Trong bài Súng lụ pay khươi mía (Tiễn con đi làm rể) tác giả dân gian đã để cho cầu thang là nơi chứng kiến tình cảm của cô gái và chàng trai khi họ tìm đến với nhau: Con gái biết tó lẹ dưới cầu thang/ Biết kéo sợi nơi Hạn Khuống/ Con trai áo trùm đầu đi dạo/ Áo vắt vai xuống thang. Những câu hát đối đáp xin lên thang trong những đêm trăng Hạn Khuống là lời gọi mời thiết tha của tình bạn, tình yêu trong sáng: Xin nàng rộng lòng thương nàng hỡi/ Thang ba bậc bắc xuống/ Dứng sáu bậc bắc cho/ Để chúng tôi lên sưởi ấm lòng…Em đây khó nghĩ trăm bề/ Thang ba bậc còn để trên rừng dướng/ Dứng sáu bậc còn để trên rừng giang/ Chàng lên hãy du thử lại thang/ Gõ thử thang phòng khi thang mục…Trong lễ lên nhà mới việc cúng khấn ở chân cầu thang (tin đay) là một nghi lễ rất quan trọng. Đồng bào thường lấy chân dậm ba lần vào cầu thang và miệng đọc bài khấn đuổi ma tà, cầu mong khi lên nhà mới ở cả gia đình được khỏe mạnh hạnh phúc: Cầu thang to tôi mới lên/ Tôi mới lên thang nhà to làm tạo/ Có nhiều khách đến chơi/ Ma gì trong nhà tôi cũng đuổi hôm nay/ Táo quân ơi hãy đón tôi lên. Khi tiễn đưa linh hồn người chết về với tiên tổ người Thái có bài Súng khoăn (tiễn đưa hồn người chết quy tiên). Hình ảnh cầu thang cũng được nhắc tới nhiều lần trong bài ca này: Chân bước vội lên chân cầu thang vào nhà/ Áo vứt bỏ dưới cầu thang/ Đung đưa ta ra bến sông tắm rửa…Người mới vội lê bước lên cầu thang/ Kêu ốm, kêu đau áo quần chưa kịp mặc…Chia ly với bếp lửa hồng/ Với cả cầu thang để ống bương đựng nước…
Trong thời đại ngày nay, các tri thức về hoa ban, về cầu thang nhà sàn nói riêng cũng như văn hóa dân gian của dân tộc Thái nói chung vẫn là gốc rễ, nguồn cội vững bền góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp cho bao thế hệ con cháu mai sau.
Bạn đọc hãy tìm đọc tác phẩm trên tại Thư viện tỉnh Sơn La!