Nhà văn Lê Lựu quê ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Tỉnh Hưng Yên. Ông là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974, chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Xuất thân từ con người nông dân, cả đời Nhà văn Lê Lựu dành chọn sự nghiệp văn chương cho đề tài nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã phác họa chính cuộc đời của nhà văn Lê Lựu. Cũng nhờ tiểu thuyết này mà tên tuổi nhà văn được đông đảo giới văn và công chúng các thế hệ biết đến.
“Thời xa vắng” là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu trong đời viết văn của nhà văn Lê Lựu. Tác phẩm xoay quanh số phận của anh nông dân mộc mạc, chất phác Giang Minh Sài. Là con út của một thầy đồ, sống trong gia đình mang nặng tư tưởng phong kiến, từ nhỏ Sài đã phải chịu sức ép của những tập tục lạc hậu. Bi kịch bắt đầu đến với Sài khi còn ở tuổi trẻ con, bỗng chốc được bố mẹ lấy cho một cô vợ tên là Tuyết. Sài đã phản kháng, ban đầu phản kháng ra mặt bằng cách đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng trước sự “uất giận của ông đồ”, Sài đành im lặng, nhưng dù có chết cũng không chịu chung đụng cùng vợ. Bi kịch cuộc đời Sài càng được đẩy lên cao khi Sài gặp Hương và nhận ra đó mới là tình yêu đích thực của mình. Tuy nhiên, vì không dám sống thật với bản thân, Sài phải chạy trốn sự thật mình đã có vợ, chạy trốn tình yêu đích thực bằng cách nhập ngũ ở tuổi mười tám. Những tưởng trốn chạy là thoát khỏi được thực tại, nhưng những ước mơ, khát vọng được ghi trong nhật ký đã bị mọi người đọc được, khiến anh trở thành một “con sâu” trong mắt mọi người bởi những định kiến xã hội lúc bấy giờ. Thế là Sài phải gồng mình sống theo những thứ mà những người xung quanh mình thích. Hòa bình lập lại, Sài được giải phóng khỏi Tuyết để đủ quyền lựa chọn người mình yêu. Nhưng một bi kịch khác của cuộc đời anh lại bắt đầu khi anh chọn Châu - một cô gái Hà Nội xinh đẹp, lõi đời, gia đình quyền thế. Từ bỏ ước mơ học tập của mình, Sài phải quay cuồng trong cuộc sống thường ngày. Khi đứa con đầu lòng ra đời, anh trở thành tay đầu bếp lành nghề, tay sai vặt cho vợ, chịu đựng mọi sự khinh miệt của vợ và gia đình vợ. Đau đớn hơn cả là sau mọi cố gắng, anh lại nhận ra sự thật đứa con đầu lòng không phải con mình. Để chấm dứt mọi chuyện, Sài ly dị vợ. Đoạn kết của tác phẩm Sài trở về quê với hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Cuốn tiểu thuyết không chỉ mô tả một thời đã xa với những ấu trĩ, sai lầm mà thông qua cuộc đời nhân vật chính. Cuộc đời của Giang Minh Sài gắn với đầy những bi hài mà ở đó, con người cá nhân bị đè nén. Qua đó nhà văn muốn nhắn nhủ đến mọi người phải luôn sống nghị lực, bản lĩnh, đứng dậy sau vấp ngã. Hơn nữa, con người ta chỉ có thể hạnh phúc khi được sống là chính mình.
“Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, thực sự hòa tiếng nói riêng của mình vào tiếng nói chung của văn học nhân loại. Tuy không phải là sự cách tân toàn diện như các tác phẩm của một số tác giả khác trong giai đoạn sau, nhưng tác phẩm đã đặt dấu mốc quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của văn xuôi nước nhà, đã đưa Lê Lựu lên vị trí danh dự của những nhà văn xuất sắc thời kỳ đổi mới.
Mời các bạn tìm đọc cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” do Nhà Xuất bản Tác phẩm mới, phát hành năm 1986, có độ dày 331 trang tại Thư viện tỉnh Sơn la.
Xin trân trọng giới thiệu./.