Nền y học cổ truyền ở Việt Nam hết sức đa dạng, đặc sắc với bề dày lịch sử và cũng từ đó hình thành nền y học dân tộc không ngừng phát triển qua các thời kỳ. Cây thuốc ở nước ta rất phong phú và đa dạng. Việc sử dụng nguồn tài nguyên quý giá đó để phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho con người đã có một quá trình lịch sử hàng nghìn năm. Trong đó, nhiều cây thuốc, bài thuốc được áp dụng chữa bệnh trong dân gian có hiệu quả cao. Các kinh nghiệm dân gian quý báu đó đã dần đúc kết thành những cuốn sách có giá trị và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Chính từ những kinh nghiệm của y học cổ truyền đã giúp cho nhân loại khám phá ra những loại thuốc có ích trong tương lai.
Công tác phát triển dược liệu trong nhiều năm qua đã thu được những kết quả tốt đẹp và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, khai thác, phổ biến, sử dụng, phát triển trao đổi quốc tế về dược liệu, cũng như góp phần quảng bá sâu rộng nguồn dược liệu quý của Việt Nam, các thông tin về cây thuốc như đặc điểm hình thái, giải phẫu, bột dược liệu, sự phân bố và công dụng với mục đích giúp cho người đọc dễ nhận biết, thu hái và sử dụng cây thuốc. Cuốn sách “Tài nguyên cây thuốc Việt Nam” giới thiệu đến bạn đọc những loại cây thuốc đã được khai thác, sử dụng từ lâu và những cây thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian, được nghiên cứu sâu về mặt danh pháp, phân loại thực vật, phân bổ sinh thái, trồng trọt, hóa học chế biến, dược lý công dụng đã được khai thác và sử dụng phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho con người. Mỗi cây đã được những cơ sở y tế nghiên cứu, chứng minh trên thực nghiệm và ứng dụng chữa bệnh có kết quả như: Ac ti sô, Bạch chỉ, Cỏ tranh, Cúc tần, Khổ sâm, Ích mẫu, Hoàng liên, bạch truật, Hồi, Kim ngân… mỗi cây thuốc đều kèm theo tranh vẽ của cây và những cây dễ nhầm lẫn. Các cây thuốc trong cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái ABC, ở cuối cuốn sách có phần tài liệu tham khảo, bảng tra cứu các cây theo tên khoa học và bảng các tên cây đồng nghĩa, ngoài ra cuốn sách có nhiều điểm mới như phần tên gọi cây thuốc của các dân tộc trên toàn lãnh thổ, tên cây bằng tiếng nước ngoài, phần phân biệt chống nhẫm lẫn giữa cây thuốc, hiện trạng của cây trong tự nhiên.
Việc nghiên cứu chiết xuất các chất có hoạt tính dược học từ thực vật đang trở thành trọng điểm trong nền y dược học hiện đại của nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Thực vật học dân tộc đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho con người. Giá trị y học của nó đã được ghi nhận qua hàng ngàn đời và những tri thức đó vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay.
Mời các bạn tìm đọc Cuốn sách “Tài nguyên cây thuốc Việt Nam” do Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật phát hành năm 1993, tại Thư viện tỉnh Sơn La.
Xin trân trọng giới thiệu./.