Nguyên Hồng (1918-1982) là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Văn của ông thấm đẫm hơi thở cuộc sống, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông đã để lại cho hậu thế một gia tài văn chương hết sức đồ sộ gồm nhiều thể loại khác nhau: Tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn, tạp văn, truyện thiếu nhi, thơ...trong đó có những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ như: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Khi đứa con ra đời... Với những cống hiến văn học có giá trị nhân văn, ông xứng đáng với danh hiệu một nhà văn hiện thực của thời đại. Năm 1996 ông được Nhà nước truy tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trong các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyên Hồng có những tác phẩm tuy không đồ sộ về quy mô nhưng lại khắc sâu vào tâm trí người đọc với những niềm xúc động. Tập truyện ngắn “
Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu.

Cuốn sách là những câu truyện ngắn về những đứa trẻ bất hạnh và không có tuổi thơ, không chỉ thiếu thốn về vật chất mà chúng còn thiếu thốn cả về tinh thần, nhưng lại là những đứa trẻ nhân hậu, giàu tình thương, khát khao tình mẫu tử, được sống trong gia đình hạnh phúc như: Cậu bé Nhân trong truyện “
Hai nhà nghề”, cậu bé Hồng trong truyện “
Những ngày thơ ấu”, cậu bé Điều trong truyện “
Con chó vàng”... nhưng nhân vật cậu bé Hồng trong truyện “
Những ngày thơ ấu” là nhân vật gây xúc động mạnh nhất đối với người đọc. Đó là câu chuyện của chính tuổi thơ Nguyên Hồng, được viết dưới dạng hồi ký của nhân vật, có tên Hồng. Một tuổi thơ thiếu tình thương. Bố mẹ lấy nhau mà không có tình yêu. Bố là quản đề lao, sa vào nghiện hút rồi chết sớm. Mẹ buôn bán chạy chợ, tỉnh này qua tỉnh khác. Sống bên một ông bố khắc nghiệt và người mẹ luôn xa nhà, Hồng sống nhờ vào bà nội và hai người cô rất ít tình thương cháu. Thiếu tình thương của bố mẹ, từ rất sớm Hồng đã trải qua cảnh lêu lổng, va chạm với nhiều người, Hồng học được nhiều mánh khóe để có tiền và rồi cậu đã có thể kiếm tiền bằng đánh đáo: “
Từ ngày thấy mình có một biệt tài… tôi bắt đầu đi lang thang khắp thành phố với một đồng xu cái vừa dày vừa rõ chữ, hơn một hào vốn, và với một lòng ham muốn ngùn ngụt được nhiều tiền để ăn tiêu.”. Đánh đáo rồi có tiền dắt quần, có lúc cậu suýt bị bố tước đoạt để mua thuốc phiện. Đó là những trang thật xót xa và bi thảm cho tình cha con. Còn với mẹ, luôn vắng nhà, cậu lại là người dành trọn tình thương yêu và luôn lo lắng để bảo vệ, bé bỏng trong vòng tay của mẹ, lúc nào cũng khao khát sà vào lòng mẹ. Kết thúc cuốn truyện là nỗi oan khuất không thể giải được, vì một sự hiểu lầm, cậu bị thầy giáo phạt quỳ ở góc lớp hết ngày này sang ngày khác. Hình ảnh Hồng nằm trên bãi cỏ sân trường nhìn lên bầu trời, nghĩ đến hình phạt đang chờ đợi mình mà kinh hãi: “
Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường” và Hồng bỏ học từ đó...
Tác phẩm
“Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng đã được tái bản nhiều lần nhưng vẫn gây xúc động mạnh trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ. Những số phận con người nhỏ bé trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tám; sự tha hóa đáng thương của con người sống mòn mỏi trong một xã hội cũ còn tồn tại nhiều tệ nạn xấu xa, bất công, vô nhân đạo... Nhưng vượt lên trên tất cả là chí khí, ý thức hướng thiện, bảo trọng nhân cách của một con người trẻ tuổi có học, biết nghĩ, biết vươn lên trong khốn khó. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo trong tư tưởng và bút pháp nghệ thuật đã khiến tác phẩm tồn tại qua thời gian, luôn thu hút với người đọc.
Mời các bạn tìm đọc cuốn sách
“Những ngày thơ ấu” do nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1963, tại Thư viện tỉnh Sơn La,
Xin trân trong giới thiệu./.