
Ngôn ngữ và chữ viết là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của trí tuệ loài người. Nó chính là “cái vỏ” của văn hóa, là công cụ giao tiếp hết sức sinh động và cần thiết, là phương tiện chuyển tải hệ thống các giá trị và những biểu đạt văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của con người. Bởi vậy, nó là một trong những yếu tố quyết định bản sắc của một dân tộc và là một phần vô cùng quan trọng làm phong phú, đa dạng kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Ông cha ta đã phát huy tinh thần sáng tạo, từ nền văn tự Hán xây dựng thứ văn tự độc đáo của mình để ghi ngôn ngữ của dân tộc: Đó là chữ Nôm. Sự ra đời của chữ Nôm là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện tinh thần dân tộc và có tác dụng trong việc góp phần nâng cao địa vị của tiếng Việt cũng như đánh đấu một bước phát triển của nền văn hóa dân tộc trên con đường độc lập.
Chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn hóa Việt tạo nên một nền văn học Việt Nam rực rỡ xuyên suốt nhiều thế kỷ với các tác phẩm như: “
Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, “
Bạch Vân Am thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “
Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm, “
Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “
Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “
Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài ra còn có thi ca hát nói của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… và những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như:
Thạch Sanh, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Ngư tiều vấn đáp y thuật … và hàng ngàn tác phẩm chữ Nôm đủ các loại như:
Truyện, Tuồng, Ngâm Khúc, Diễn Ca... nay đã và trở thành di sản văn hóa Việt Nam, một số đã được thế giới công nhận và vinh danh đã cho thấy tầm vóc lớn lao của chữ Nôm.
Cuốn sách
Nghiên cứu về chữ Nôm của tác giả Lê Văn Quán do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 1981 gồm 4 chương sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá trình xây dựng, phát triển chữ Nôm, tính chất và cấu tạo của chữ Nôm, tình hình chữ Nôm qua các thời và cách đọc chữ Nôm, cách sử dụng văn bản Nôm… Kho tàng văn thơ Nôm còn lưu truyền lại ở nước ta khá nhiều đây là một nguồn di sản văn hóa vô cùng phong phú của dân tộc viết bằng chữ Nôm bị lớp thời gian bao phủ đang đợi chờ chúng ta sưu tầm và khai thác. Để tìm hiểu quá khứ của dân tộc, nhất là nền văn hóa truyền thống dân tộc, việc phải biết sự phát triển của ngôn ngữ qua các thời đại là rất cần thiết.
Nghiên cứu di sản văn hóa Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, vốn quý của dân tộc, nghiên cứu chữ Nôm sẽ bổ sung cho nghiên cứu văn hóa dân gian, đồng thời tiếp thêm bề dày lịch sử cho văn hóa quốc ngữ, nghiên cứu chữ Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của ông cha ta, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như những thành tựu của nghiên cứu chữ Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu./.