HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP
Thư Viện Tỉnh Sơn La
2021-03-26T05:58:18-04:00
2021-03-26T05:58:18-04:00
https://thuviensonla.com.vn/Khong-gian-sach-cu/hong-duc-quoc-am-thi-tap-1168.html
https://thuviensonla.com.vn/uploads/news/2021_03/thing.jpg
Thư viện tỉnh Sơn La - Thư viện điện tử số trực tuyến
https://thuviensonla.com.vn/uploads/logo.png
Sau những tập thơ Nôm đời Trần của Trần Nhân Tông, Trần Ngạc… và đặc biệt sau tập thơ Nôm “Quốc âm thi” của Nguyễn Trãi, Hồng đức Quốc âm thi tập là một tập thơ Nôm có giá trị, đánh dấu một bước trưởng thành của văn học và ngôn ngữ Việt Nam ở thế kỷ XV. Tập thơ được biên soạn do những nhân sĩ của hội Tao Đàn được thành lập năm Hồng Đức thứ 26, dưới sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông. Trong bầu trời thơ ca cung đình, Hội Tao Đàn được mệnh danh là “Tao Đàn nhị thập bát tú” tức 28 ngôi sao trên diễn đàn văn chương với 28 hội viên do nhà vua chọn trong số các quan văn đậu Tiến sĩ ở triều đình như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Lưu Hưng Hiếu… Các hội viên thường làm thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm để xướng họa cùng nhau, nổi bật nhất là loại vịnh cảnh trí thiên nhiên, vịnh vật phẩm, vịnh nhân vật lịch sử…

328 bài thơ của Hồng Đức Quốc âm thi tập xoay quanh chủ đề về tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật đất nước và lòng tự hào dân tộc sống trong cảnh thái bình thịnh trị đã được Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú giải và giới thiệu tới đông đảo bạn đọc trong cuốn sách cùng tên do Nhà xuất bản Văn hóa phát hành năm 1962. Mở đầu cuốn sách là phần Thiên địa môn với 59 bài thơ vịnh Tết Nguyên đán, vịnh trăng, vịnh Hằng nga, vịnh bốn mùa, vịnh mười hai tháng… mang tình thơ của các tác giả về sự biến chuyển của thời khắc và vẻ mỹ lệ của thiên nhiên vô cùng hấp dẫn. Để rồi bước sang phần Nhân tạo môn là nét hùng tráng của dân tộc trong 46 bài vịnh các nhân vật lịch sử, nói về đạo trung hiếu: Bài tự thuật của Lê Thánh Tông, Điếu Lê Khôi, Lương Thế Vinh… Lời thơ vịnh sử làm toát lên khí thế của các vị anh hùng và tính tự cường của dân tộc. Song lòng tự hào dân tộc ở đây không phản ánh tính chiến đấu chống xâm lăng như thơ văn nửa đầu thế kỳ XV mà thể hiện qua khung cảnh thanh bình của đất nước. Trong cảnh thanh bình đó, các thi sĩ Tao Đàn còn vịnh về cảnh trí thiên nhiên, di tích lịch sử như: Tàn xuân lữ xá, Sơ thu lữ xá, Phật - tích sơn tự, Bạch Đằng Giang, chuông Phả - Lại… qua 66 bài của phần Phong cảnh môn để làm bật lên nét trữ tình trong Hồng Đức Quốc âm thi tập. Khép lại cuốn sách là hai phần Phẩm vật môn và Nhàn ngâm chư phẩm với 157 bài thơ vịnh phong phú, chứa đựng những tâm tình dạt dào nhưng rất đỗi nhẹ nhàng của các thi sĩ Tao Đàn.
Vừa mang yếu tố hiện thực vừa mang yếu tố trữ tình, Hồng Đức Quốc âm thi tập là một tập thơ có giá trị không chỉ về đời sống tâm tư tình cảm, giải trí, mà nó có giá trị về mặt chính trị rất lớn. Lần đầu tiên chữ Nôm được coi là phương tiện đắc dụng để bộ máy chính thể hành chính ngâm ngợi, thù tạc, ca công tụng đức. Lần đầu tiên những vấn đề quốc gia đại sự được khúc xạ qua cảm hứng sáng tạo và được truyền tải bằng chữ Nôm - thứ chữ thuộc về miền tâm thức sâu thẳm của người Việt. Tập thơ là một tác phẩm có vị trí vô cùng quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc, đó không chỉ là tiếng nói của một thời đại quốc thái dân an, lòng tự hào, tự tôn dân tộc lớn lao mà đó còn là một cột mốc quan trọng trên tiến trình phát triển của thơ Nôm Đường luật nói riêng, văn học dân tộc và ngôn ngữ dân tộc nói chung.
Thư viện tỉnh Sơn La xin trân trọng giới thiệu cuốn sách
Nguồn tin: Thư viện tỉnh Sơn La