global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

ĐOÀN KẾT - SỨC MẠNH LAN TỎA TỪ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ hai - 11/05/2020 21:48 1.247 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà tư tưởng lớn của nhân loại đã để lại cho chúng ta một hệ thống tư tưởng đồ sộ có giá trị và sức lan tỏa mạnh mẽ đối với các thế hệ nhân dân các dân tộc Việt Nam.
Giữa mênh mông những câu từ ca ngợi về Bác kính yêu, giữa hàng trăm, hàng ngàn bài và sách viết về Người, thật khó khăn để đánh giá, lựa chọn một tài liệu nào đặc sắc nhất. Song qua đó chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại của một chiến sỹ cộng sản trung kiên, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc; thấy được tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân dân Việt Nam, dành cho nhân loại. Để nói về Bác không thể diễn tả trong một không gian, phạm vi cụ thể nào. Bởi vậy, mỗi chúng ta mỗi lần, mỗi ngày chỉ cần chọn một phần việc nho nhỏ học tập và làm theo Bác cũng đã là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác xin được giới thiệu về tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số cuốn sách.
     Bên cạnh một số tác phẩm, công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cuốn sách “Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết các dân tộc” của PGS.TS Lê Ngọc Thắng do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2005 có lẽ là một trong số những công trình hiếm hoi nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh”.
Chỉ gói gọn trong 239 trang sách PGS.TS Lê Ngọc Thắng tiếp cận tư tưởng đại đoàn kết của Bác ở 3 nội dung: Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết các dân tộc; nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
     Đoàn kết dân tộc là một tố chất, một hằng số xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam và đến thời đại Hồ Chí Minh đã được phát triển lên một tầm cao mới. Tư tưởng đoàn kết dân tộc của Người kế thừa và hình thành trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc; dựa trên một cơ sở xã hội, lý luận và thực tiễn nhất định thông qua lăng kính của một “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.
     Từ bài học đoàn kết của ông cha: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, Người kêu gọi, khích lệ tinh thần đoàn kết và phát huy tinh thần đoàn kết đó trong hoàn cảnh lịch sử mới:
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
     Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kênh thông tin, một yếu tố quan trọng không thể thiếu được tạo nên nhân cách lớn Hồ Chí Minh mà chúng ta có nhiệm vụ giải mã. Đó cũng là biểu hiện sinh động và tập trung các quan điểm trong việc nhận thức và giải quyết các vấn đề dân tộc trong thời kỳ đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bởi vậy nội dung tư tưởng đoàn kết của Người trước hết là đoàn kết dân tộc vì mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc; đoàn kết các dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương đất nước và đoàn kết dân tộc trên phạm vi quốc tế. Qua những nghiên cứu của PGS Lê Ngọc Thắng tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh đã được hệ thống, cụ thể và làm nổi bật chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh. Người làm tất cả chỉ vì 1 mục đích: Độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho đất nước và con người Việt Nam, vì hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
     Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết các dân tộc không chỉ là di sản tư tưởng quý báu được Người xây dựng bằng nhận thức lý luận, trái tim yêu nước và tầm nhân văn cao cả; được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trên suốt chặng đường hoạt động cách mạng với tư cách người đứng đầu một Đảng, một chính phủ…mà hơn thế nữa nó đã trở thành một chiến lược cách mạng trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như thời bình. Ở Việt Nam, tình hình lịch sử và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước có những đặc thù riêng. Việc nghiên cứu tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ý nghĩa đặc biệt giúp chúng ta  tìm ra cái thích ứng và cái bất biến, cái nguyên tắc và linh hoạt trong vận dụng vào thực tiễn đất nước hiện nay. Và những thành quả của Việt Nam hôm nay là minh chứng hùng hồn nhất cho sức lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng đoàn kết dân tộc nói riêng. Cho đến hôm nay và mai sau chiến lược đại đoàn kết vẫn là hành trang không thể thiếu của Đảng ta, nhân dân các dân tộc nước ta trên con đường hội nhập và phát triển.
     Đoàn kết dân tộc là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, là một vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam nhưng không phải là một phạm trù chung chung mà được vận dụng linh hoạt, cụ thể trong những điều kiện nhất định. Điều này được minh chứng một cách rõ nét trong những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng khối đoàn kết dân tộc ở khu vực Tây Bắc. Người nói: “Miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng và đối với kinh tế”; “Là khu vực rất quan trọng cả về nông nghiệp và công nghiệp”. Đối với Tây Bắc, Hồ Chí Minh cũng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn ổn định vùng đất biên cương của Tổ quốc. Và hơn ai hết Người thấu hiểu cả những khó khăn mà đồng bào nơi đây phải đối mặt do hậu quả của lịch sử để lại; bởi những trở ngại trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Điều Người luôn trăn trở là làm thế nào để xây dựng khối đoàn kết các dân tộc Tây Bắc? Chúng ta cùng đến với tác phẩm Nhân dân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác để thấy rõ hơn tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa như thế nào đối với đồng bào nơi đây trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Tác phẩm Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2005, với độ dày 445 trang, khổ 15x21cm và kết cấu được chia thành 3 phần, kèm theo những bức ảnh tư liệu mầu và đen trắng, đã tập hợp những trang tư liệu lịch sử vô cùng quý giá, đó là các bức thư, bài nói chuyện, bài viết của Bác Hồ khi Người lên thăm Tây Bắc, thăm Sơn La và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc Sơn La thực hiện lời dạy của Bác. Cuốn sách còn chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của cán bộ, đồng bào Sơn La đã may mắn có vinh dự được gặp gỡ, được Bác Hồ tặng quà và được nhận huy hiệu của Người. Tiếp cận tác phẩm bạn đọc sẽ hình dung được một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc cũng như niềm kính yêu của đồng bào Tây Bắc với Người:
“Không quản đường xa Bác đã lên đây
Với núi rừng, với sông, với suối
Với dân bản còn đói nghèo tăm tối
Với Sơn La mảnh đất anh hùng
Con suối nào cũng chảy về sông
Bác đã đi xa vẫn cội nguồn dân tộc
Cho con được giữ gìn dấu chân Bác
Trên con đường Bác đã đến Sơn La”.
     Ngày 7/5/1959 nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 4 năm ngày thành lập Khu tự trị Thái Mèo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La vô cùng vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Thông qua các bài nói chuyện của Người với đồng bào các dân tộc nơi đây Người đã cụ thể hóa vấn đề xây dựng khối đoàn kết nhân dân các dân tộc bằng cách nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại cụm từ đoàn kết với tần suất cao. Chỉ trong bài nói chuyện của Người với đồng bào các dân tộc tại Thuận Châu (Sơn La) Bác đã 11 lần nhấn mạnh và  trong bài nói chuyện tại Yên Châu (Sơn La) cụm từ này được nhắc lại đến 7 lần. Chỉ một lần lên thăm nhân dân Tây Bắc, thăm Sơn La, nhưng Người luôn dõi theo bước phát triển của Sơn La và để lại muôn vàn tình thương yêu trong lòng đồng bào các dân tộc.(1)
     Đối với vùng đất có những nét đặc thù về địa lý, lịch sử, dân tộc và văn hóa như Tây Bắc, Người đưa ra vấn đề xây dựng khối đoàn kết theo cách đặc biệt thể hiện ở ba khía cạnh: Xây dựng và củng cố lòng tin; động viên và khích lệ tinh thần đoàn kết; giao nhiệm vụ với những yêu cầu cụ thể.(2) 
Qua các bức thư, các bài nói chuyện của Bác tại các hội nghị, các cuộc mít tinh được tập hợp trong tác phẩm Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác tư tưởng đoàn kết được khéo léo truyền tải một cách có chủ đích song song với các nhiệm vụ cách mạng mà chính phủ giao phó theo một cách thân tình sâu sắc nhất: “Sơn - Lai tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ rất gần Sơn - Lai. Chính phủ biết rằng: Nhân dân Sơn - Lai đoàn kết và trung thành”. Sự quan tâm đặc biệt ấy, những lời dạy bảo ân tình sâu nặng ấy như truyền được sức mạnh động viên đồng bào nhân dân các dân tộc Tây Bắc tự tin, đoàn kết, phấn đấu quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ; đồng thời cảm phục, kính yêu và tin tưởng hơn nữa vào Đảng, Chính phủ và vị Cha già kính yêu của mình.
      Thấm nhuần những lời dạy quý báu của Hồ Chủ tịch:“Đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn Khu ta cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm đưa Khu tự trị tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng no ấm và vui tươi hơn nữa”, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đạt được nhiều thành tựu trong đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đây cũng là nội dung xuyên suốt phần cuối của tác phẩm, giúp bạn đọc hình dung được con đường phát triển của Sơn La - một bộ phận của vùng đất Tây Bắc đang vươn lên chuyển mình mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập, tỉnh Sơn La đón nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cả về nhân lực, vật lực để phát triển về mọi mặt của đời sống; cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc nơi đây cũng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất, chung sức xây dựng, phát triển quê hương.
     Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bác lên thăm Sơn La nhưng những kỷ niệm về Bác, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người vẫn luôn được khắc sâu trong trái tim mỗi người con quê hương Tây Bắc. Nếu ví một lần nhắc tên Hồ Chí Minh là một bông hoa dâng lên Người thì xin được khiêm nhường gọi tác phẩm Chuyện kể Bác Hồ đi tìm đường cứu nước - Quãm tố Pú Hố pay xáo táng chất mưỡng là một đóa hoa từ núi rừng Tây Bắc bày tỏ tấm lòng thành  kính đối với Bác. Đây là một tác phẩm đặc biệt được viết dưới dạng truyện thơ bằng chữ dân tộc Thái, do một người con dân tộc Thái Sơn La viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác giả - nhà thơ nữ Cầm Thị Chiêu.
      Sinh ra và lớn lên trên quê hương Sơn La, chưa một lần được gặp Bác nhưng tình yêu thương của Bác dành cho dân tộc Việt Nam, cho nhân dân các dân tộc Sơn La đã lan tỏa và soi rọi trái tim của tác giả; khiến bà có được những rung cảm sâu sắc để viết nên những vần thơ thấm đẫm ân tình. Trong lời tâm sự với độc giả đầu trang sách tác giả viết: “Trước đây tôi không hình dung nổi Bác đi tìm đường như thế nào trong suốt 30 năm trời. Đọc qua tôi mới biết chặng đường đi tìm chân lý của Bác rất gian nan cực khổ…tôi cảm phục và biết ơn Bác vô cùng…Tuy hiểu chưa rộng, chưa sâu nhưng tôi đã ước muốn con cháu và dân tộc mình hiểu được như vậy để học tập và làm theo gương Bác”.
     Trân trọng và đáng quý biết bao khi ở cái tuổi để nghỉ ngơi cựu nhà giáo Cầm Thị Chiêu vẫn miệt mài đọc và viết, tìm hiểu các nguồn tư liệu rồi soạn dịch và chuyển sang thơ dân tộc Thái “Quãm tố Pú Hố pay xáo táng chất mưỡng” với mong muốn góp phần vào tuyên truyền, quảng bá, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt vừa là để gìn giữ phát huy giá trị của chữ Thái vừa giúp những người yêu thích ngôn ngữ Thái  hiểu và cảm nhận được cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Tác phẩm “Kể chuyện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước của tác giả Cầm Thị Chiêu với độ dày 302 trang khổ 14,5x20,5cm được nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2019 đã tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của Bác từ thời thơ ấu cho đến lúc yên giấc ngàn thu. Hơn 2400 câu thơ như những trang nhật ký bằng cảm xúc về Hồ Chủ tịch mà tác giả được tìm hiểu qua những tài liệu để lại. Trong mỗi vần thơ là tình yêu thương sâu nặng và da diết lan tỏa từ trái tim Bác Hồ đến trái tim người dân Việt Nam. Khi kể về quãng thời gian Bác Hồ hoạt động trong quốc tế cộng sản, bà viết đầy xúc động:
Năng cuông buống hai nả má phương đông long ống
Ái cọ ngắm họt phổng quê lặm nghín tộc on khón
Vinh vón lé pék chí hên tông ná lương khẩu
Hên pá ỏi liệp nặm lớng quén Sông - Lam
Hên nong bua bók xón nhọt xọng
Lốm pặt tỏng hom quạ ai ín má thâng
…Bát nưng, nguộc hên dân chuốp khổ ta dọi đang phó cóng ha
Thâng chaư ái ha pặp sư án bái đọc hựa
Chủ nghĩa quảng lọt pựn Lê Nin pun khiên

Chớ nị ái ngắm xẳn phột hon món pháư cuông chaư
… In đu to lan on hảy cặt kẹn khá me lom táng (tr.145 – 147)
(Buồng anh ở lại hướng về phía Đông
Bất chợt anh nhớ về quê mẹ
Như hé thấy cánh đồng vàng lúa
Vườn mía xanh hai bờ cát sông Lam
Hoa sen chen đua sắc ao làng
Gió đưa hương như lan tỏa đâu đây

Rồi chợt nghe tiếng khóc trong dân 
Da diết chờ mong vượt nghèo túng
Thôi thúc anh đọc tiếp Mác – Lê nin
…Nhiều điều thôi thúc anh
Mong được nhanh về nước
…Thương ơi! Trẻ đói khát ngoài đường…Tr.236-237)
          Tác giả còn dành riêng một phần nói về nỗi đau ngày Bác ra đi cũng như công tác gìn giữ thi hài Người trong chiến tranh và trong thời bình dưới tựa đề “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Bà bộc bạch một cách rất chân thật: “Bác đã khổ suốt đời vì dân, vì nước, đến lúc yên nghỉ cũng chẳng được yên phải năm lần bảy lượt di chuyển vì Tổ quốc còn giặc”:
“Nước mắt tuôn rơi tay vẫy chào Người
Tám tháng nằm hang lạnh lẽo lắm cha ơi…
…Cầm lòng thương thành kính bước đi
Đưa cha Hồ Chí Minh về tạm nghỉ K9”
          Cùng là tác phẩm viết về Hồ Chủ tịch trong hàng ngàn những trang viết chúng ta vẫn tìm ra được cái chất rất riêng của một người con nơi núi rừng xa xôi bày tỏ tình cảm đối với Bác. Đọc thơ Cầm Thị Chiêu ta còn cảm nhận được cả phẩm chất, tính cách hồn hậu, thật thà, chân tình, sâu đậm của người miền núi; thấm cái tình, cái nghĩa và cái tâm một lòng tin yêu theo Đảng, theo Bác của đồng bào nhân dân các dân tộc Sơn La. Những vần thơ mộc mạc, giản dị nhưng chan chứa tình cảm cùng tâm huyết của tác giả như sợi dây vô hình gắn kết những người con của núi rừng Tây Bắc sát cánh cùng nhau học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương bản làng.
          Đặc biệt trong tình hình đất nước và thế giới có nhiều biến cố cần phải đối mặt về chính trị, kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…Tư tưởng đoàn kết không chỉ được thể hiện qua hành động cách mạng của Hồ Chí Minh, của toàn thể dân tộc Việt Nam mà nó còn được giáo dục, vận động trở thành lẽ sống, niềm tin của mỗi người dân. Xin được khép lại bài viết bằng lời hiệu triệu đầy sức thuyết phục của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
                                                                     
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết các dân tộc / Lê Ngọc Thắng.-H.: Văn hóa dân tộc, 2005.- 239tr.; 19cm
2. Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác / Biên soạn: Lương Thị Kim Duyên, Nguyễn Minh Hòa, Lò Minh Hiến,…H.: Chính trị Quốc gia, 2005.- 445tr.: ảnh; 20cm
3. Chuyện kể Bác Hồ đi tìm đường cứu nước = Quãm tố Pú Hố pay xáo táng chất mưỡng / Cầm Thị Chiêu.-H.: Dân trí, 2019.- 302tr.; 21cm
4.. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia 60 năm Bác Hồ lên thăm Tây Bắc (7/5/1959 - 7/5/2019).- Huế.: Nxb. Đại học Huế, 2019.- 539tr.; 30cm
 
1. Kỷ yếu hội thảo QG 60 năm Bác Hồ lên thăm Tây Bắc Tr.282
2. Kỷ yếu hội thảo QG 60 năm Bác Hồ lên thăm Tây Bắc Tr.283-285

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Nhàn

Nguồn tin: Thư viện tỉnh Sơn La

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn biết website thư viện tỉnh Sơn La từ nguồn nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay3,326
  • Tháng hiện tại18,375
  • Tổng lượt truy cập14,280,818
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây