Hiện nay không ít người, nhất là các bậc phụ huynh đang tự thu hẹp khái niệm “văn học thiếu nhi” là những tác phẩm mang nội dung viết về lứa tuổi thiếu nhi. Vì thế đối với họ, công việc chọn sách cho con đọc vào mỗi dịp hè là sự khó khăn, chán nản… Bởi nếu cứ “duy danh định nghĩa” như cách hiểu trên thì quay đi quay lại, đối với các tác giả là người Việt Nam thì chỉ có sách của mấy nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Nhật Ánh… là dễ chọn. Phải nói thẳng một sự thật là sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bán rất chạy, có nhiều nguyên nhân, trong đó có một lý do từ cách hiểu hạn hẹp trên.
Đó là cách hiểu chưa toàn diện, bởi chưa nắm bắt đầy đủ tâm lý của thế giới trẻ thơ!
Cách hiểu phổ biến trên thế giới hiện nay thì văn học thiếu nhi là những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành cho thiếu nhi. Rõ ràng cách hiểu này đã mở rộng ra rất nhiều đường biên của khái niệm, không chỉ còn bó hẹp là viết về lứa tuổi trẻ em mà còn là tất cả các lĩnh vực đời sống mà các em hướng tới. Thậm chí đó có thể là tác phẩm viết về người lớn nhưng vẫn thuộc phạm vi quan tâm của các em. Chính vì lý do này mà ở một số nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, Thụy Điển… thì danh mục sách dành cho trẻ em vẫn có những Đôn Ki-hô-tê của M. Xéc-van-téc, Rô-bin-xơn Cru-xô của Đê-phô, Gu-li-vơ du ký của Gi. Xuýp, Túp lều bác Tôm của Bi-chơ Xtâu… Những cuốn này, ở những nước ấy cũng được rất nhiều trẻ em tìm đọc.
Một nét đặc trưng của tâm lý trẻ thơ là rất giàu mơ mộng, tưởng tượng, liên tưởng… Do vậy, một trong những tiêu chuẩn của tác phẩm văn học thiếu nhi là phải sáng tạo ra một thế giới mới khác với thế giới thực để hấp dẫn các em. Nhìn dưới góc độ này thì các tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi là Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Hai vạn dặm dưới biển (Duy-lơ Véc-nơ)… rõ ràng đối tượng viết không chỉ là chính bản thân trẻ em mà còn là thế giới loài vật, là thế giới người lớn… nhưng được các em thích thú tìm hiểu.
Nhưng dù ở đâu, thế giới hay Việt Nam; ở thời kỳ nào, cổ đại, trung đại hay hiện đại thì người ta vẫn rất chú ý tới phẩm chất của một tác phẩm văn học thiếu nhi, thể hiện ở tính giáo dục và tính nhận thức. Văn học thiếu nhi châu Âu thế kỷ XIV đến XVI, đặc biệt ở thời Khai sáng rất chú ý tới tính giáo huấn. Truyện cổ tích nước ta và các tác phẩm thời trung đại mang tính răn đời như Gia huấn ca (tương truyền của Nguyễn Trãi) hay Thập ân (hát chèo)… cũng đậm tinh thần giáo huấn. Đầu thế kỷ XX trở lại đây thì văn học thiếu nhi thế giới lại nghiêng về nhận thức, tăng cường sự hiểu biết cho đối tượng. Do vậy chọn sách cho con, các bậc phụ huynh rất nên chú ý tới hai tiêu chí này.
Một trong những nét tính cách trẻ mới lớn là bắt chước người lớn. Do vậy văn học thiếu nhi ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế là luôn sáng tạo ra những hình tượng mang tính tấm gương. Đó không chỉ là hình tượng con người mà có thể là hình tượng thiên nhiên, loài vật… nhưng chuyển tải được bài học làm người về cách rèn luyện, cách ứng xử…Điều này lại quy định văn học thiếu nhi cũng rất đa dạng về thể loại, là văn xuôi, là thơ, là kịch, là cổ tích, thần thoại, và nhất là ngụ ngôn… Cho nên văn học thiếu nhi cũng cực kỳ phong phú, đâu có khó chọn, khó tìm… Rất nhiều người than thở trẻ em Việt Nam hôm nay quá say mê truyện tranh Nhật Bản, thì lỗi đâu ở các em. Lỗi ấy thuộc về người lớn mà trước nhất là trách nhiệm của các bậc cha mẹ chưa hướng cho các con nhìn vào những tấm gương sáng.
Nguyên Thanh - qdnd.vn