“Nước non, non nước Đà Giang hỡi/ Có nhớ nhà thơ đã đi xa”.
Nhà thơ dân tộc Mường Đinh Sơn - người con của mảnh đất Phù Hoa xinh đẹp, đã sống một cuộc đời thật đẹp - Cái đẹp ấy phần nào được thể hiện trong những trang thơ của ông.
Sinh ra và lớn lên ở “Ổ Đang” - đất Vạn Yên, cố nhà thơ Đinh Sơn (1913 - 1987) đã từng chứng kiến những đêm diễn xướng các tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng của dân tộc Mường như: Đang Vần Va; Đẻ đất - Đẻ nước; Út Lót - Hồ Liêu... trong các dịp lễ hội; từng dự các cuộc
“Hát sáng đêm, tối ngày” của trai làng gái bản. Vị ngọt của dân ca Mường như cơm, như cá và có khi có cả vị đắng của rau rừng thấm vào máu thịt của Đinh Sơn, khơi nguồn cảm xúc và thúc đẩy ý tưởng sáng tác, khiến thơ ông đậm đà chất dân gian Mường nhờ vậy mà dễ nhớ, dễ hát. Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc và hát thơ Đinh Sơn của đông đảo bạn đọc, năm 1997, Hội Văn học - Nghệ thuật Sơn La đã tập hợp giới thiệu tác phẩm “Thơ Đinh Sơn” gồm 25 bài thơ đặc sắc còn lại của nhà thơ bằng tiếng Việt và tiếng Mường.
Từ một “phỏ ngố” thất thế, nghe theo tiếng gọi của quê hương, đất nước, nghe theo tiếng gọi của trái tim, ông đã trưởng thành - đã trở thành một cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền địa phương. Xuyên suốt những vần thơ của ông là tình cảm, tấm lòng của một người con xứ Mường yêu nước, yêu quê huơng, bản làng sâu sắc thiết tha.
Với lời thơ, ý thơ, hình ảnh thơ cụ thể, chân thực, có sức lay động lòng người, Đinh Sơn làm thơ là để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; làm thơ để vận động quần chúng:
“Ai có đất - Người thương/ Ai có Mường - Người quý/ Tổ quốc ta còn giặc/ Cả nước đã lên đường/ Không nhút nhát chần chừ/ Làm chim Bằng, chim Ó/ Vượt muôn trùng sóng gió/ Mang lửa đỏ trong tim” và
“Ta ra đi/ Cứu nước - Cứu nhà/ Đánh đuổi giặc”, “Theo lời Bác ta xây dựng cơ đồ/ Hôm nay giữa Ba Đình lộng gió/ Cờ sao năm cánh tung bay/ Tụ về đây/ Dựng cột Chu Đồng/ Non sông đất nước ta/ Đẹp buổi bình minh - rực rỡ ánh hồng/ Nghe lời Bác/ Dựng nền ‘Tự do - Độc lập”!” (Dựng cột Chu Đồng).
Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, rồi non sông đất nước ta thu về một mối, Đinh Sơn hướng hồn thơ của mình ngợi ca những chiến công oanh liệt của quân và dân ta chống Mỹ cứu nước; phản ánh, ngợi ca sự đổi đời lớn lao của quê hương:
“Sáu mường dải đất thân thương/ Bao la, bát ngát quê hương vùng chè/... Rau đầy vườn, cá đầy ao/ Cam, xoài, trĩu quả đu vào mái hiên/... Ấm no, hạnh phúc đây rồi/ Vui câu Đang, Khắp ngọt lời dân ca” (Rừng hoa đồi chè). Cái mạch xuyên suốt trong sáng tác của ông vẫn là sự biết ơn đối với Đảng, với Chính phủ, với Bác Hồ và sự gắn bó máu thịt với quê hương, với núi rừng nơi sinh thành các dân tộc thiểu số và nhà thơ Đinh Sơn:
“Ơn Bác Hồ/ Đất Mường Va tươi sáng/ Nhờ ơn Đảng, đất quê ta sáng trong/ Cất tiếng nói, chân bước trên đường/ Đã vang sông vọng núi cùng chúng bạn…” (Nhớ quê tổ), “Khắp vùng Tây Bắc ta ơi/ Nhớ thương Bác nguyện suốt đời bên nhau/ Dựng xây mường bản đẹp giàu/ Ngược xuôi đoàn kết khắc sâu lời Người” (Bác Hồ).
Suốt trong những năm tháng hòa mình vào phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Phù Yên nói riêng cũng như phong trào đấu tranh cách mạng của Tây Bắc nói chung, Đinh Sơn là người tiên phong, người khởi xướng phong trào sáng tác Đang cách mạng, sáng tác thơ Mường. Ông đã góp cho thơ Mường chất cách mạng và từ đấy thơ ông về với bản trên, mường dưới, có sức sống sâu rộng trong lòng dân Tây Bắc, nhất là vùng dân tộc Mường.
Có thể nói Đinh Sơn đã làm thơ với trách nhiệm của một cán bộ vận động quần chúng, đi truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với dân bằng những bài văn vần. Từ những bài thơ đã thành bài Đang, bài Xường cho những hội hát giao duyên, nhà thơ đã có rất nhiều bài lục bát với câu, vần rất nghiêm túc. Đáng nói nhất là nhà thơ đã có những bài “song thất, lục bát” như bài Gửi rừng:
“Quê hương ta rừng vàng núi bạc/ Đất quê ta chất thép địa đầu/ Với rừng gắn bó từ lâu/ Tình sâu nghĩa nặng bên nhau trọn đời…”. Cái khó của thể thơ này là phối hợp sao cho hài hòa giữa hai câu bảy với hai câu lục bát, cả thể thơ lẫn vần điệu. Có thể khẳng định: Nhà thơ Đinh Sơn đã có những thành công về thể thơ này. Đây là một hiện tượng hiếm thấy ở các nhà thơ Sơn La khác.
Những trang thơ của tác phẩm “Thơ Đinh Sơn” đã gấp lại, mà những lời tâm huyết của nhà thơ cứ theo vần điệu mà âm vang và:
“Những bài thơ người đã viết/ Vẫn còn sống mãi với sông Đà”…
Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!