global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG TÁC PHẨM “TRUYỆN THƠ NÀNG CÓC”

Thứ năm - 21/10/2021 04:20 989 0
       Là một trong những dân tộc thiểu số hiếm hoi có chữ viết và kho tàng văn học dân gian phong phú, người Thái nói chung và người Thái ở Sơn La nói riêng luôn tự hào và có ý thức giữ gìn di sản quý báu mà ông cha để lại. Cách thức gìn giữ hữu hiệu nhất đó là làm cho tri thức dân gian đó đến được với nhiều người, khiến họ hiểu và cảm nhận được cái hay, ý nghĩa sâu sắc mà mỗi tác phẩm truyền tải. Nhà nghiên cứu dân gian, ThS.Lò Bình Minh là một trong những người đã góp phần vào công cuộc gìn giữ tri thức dân gian Thái như thế.
 
2021 10 08 16 49 16 560

          Với niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái, người con của quê hương Sơn La đã có nhiều đóng góp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội LH Văn học nghệ thuật Sơn La dịch thuật, phổ biến nhiều tác phẩm dân gian viết bằng chữ Thái cổ. Di sản mà ông cha để lại đã được chắt lọc từ ngàn đời, gói gém vào những tri thức bằng ngôn từ nhưng đã phần nhiều bị mai một khiến Lò Bình Minh luôn trăn trở và đau đáu. Nhưng đó cũng là động lực để ông hết lòng, hết sức cho những công trình nghiên cứu của mình, góp phần đưa những tinh hoa dân tộc ấy đến gần với thế hệ con cháu ngày hôm nay. Những tác phẩm của ông tuy chưa nhiều nhưng đó là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, liên tục để ra đời những tác phẩm như: “Tập đồng dao Cháu nhỏ chơi hát (Lò Bình Minh – Lò Văn Lả)”; “Tòng Đón – Ăm Ca”; “Khun Tớng – Kun Tính”; “Truyện thơ Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) nhìn từ góc độ thi pháp (Đồng tác giả Lò Bình Minh – Cà Chung) và mới đây nhất là tác phẩm “Truyện thơ nàng Cóc”.
          “Truyện thơ nàng Cóc” do Nxb. Thanh niên ấn hành năm 2020 không đơn thuần là một tác phẩm dịch thuật từ chữ Thái cổ sang tiếng Việt mà còn là một nghiên cứu có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cùng với kinh nghiệm và kiến thức của một thầy giáo giảng dạy Văn học dân gian nhiều năm có lẽ Lò Bình Minh đã đưa được vào tác phẩm những nhận định mang tính lịch sử và chính trị sâu sắc. Khi giới thiệu “Quãm tỗ nãng Ý Tú” (Truyện thơ nàng cóc), tác giả đã chỉ ra được tính cá thể của truyện thơ này trong tổng thể mô tuyp của thể loại truyện “người mang lốt động vật” nói chung; đồng thời có sự so sánh, đối chiếu giữa truyện cổ tích và truyện thơ trên cùng một cốt truyện, giúp người đọc trả lời được câu hỏi: “Có gì khác nhau giữa những câu chuyện như: “Chàng rể Cóc”, “Nàng tiên Cóc” hay “Người lấy Cóc”… trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam với “Truyện thơ nàng Cóc””?
          Một điều đặc biệt nữa của cuốn “Truyện thơ nàng Cóc” đó là phần phân tích nội dung, nghệ thuật của chính tác giả ngay trước phần phiên âm và dịch nghĩa tác phẩm từ chữ Thái cổ sang Tiếng Việt. Đối với hầu hết các tác phẩm chuyển nghĩa từ một ngôn ngữ khác sang Tiếng Việt sẽ không chuyển tải được hết nội dung mà ngôn ngữ gốc biểu đạt, hoặc phần dịch nghĩa càng gần sát với ngôn ngữ gốc thì lại càng hạn chế dụng ý nghệ thuật trong sử dụng ngôn từ. Đó có lẽ là rào cản rất lớn khi độc giả tiếp cận với tác phẩm dịch, càng khó khăn hơn khi người đọc chưa hiểu rõ được phông văn hóa của dân tộc mà tác phẩm sinh ra. Chính vì vậy phần phân tích của tác giả sẽ là một công cụ rất hữu ích để độc giả tiếp cận gần hơn với tác phẩm.
          Đọc đến đây, bức tranh xã hội vùng đồng bào Thái xưa như được mở ra. Bản mường Thái yên bình với những con người Thái đôn hậu, chân chất sống trong những nếp nhà sàn nép mình bên sườn núi, có những con suối uốn lượn, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng bắt đầu thu hút độc giả: “Đến mùa lúa chín vàng rực cánh đồng/ … Lúa tốt bời bời hạt nặng trĩu bông”. Bên trong bức tranh êm đềm đó, cuộc sống của họ có những khó khăn gì, họ đã lao động và ước mơ như thế nào? Đã gửi gắm những gì cho thế hệ sau?... Thì câu chuyện “Nàng Ý Tú” sẽ dần dần hé lộ cho chúng ta tìm hiểu.
Cùng là bài ca đấu tranh chống cái ác, ngợi ca và bênh vực cái thiện như rất nhiều truyện cổ tích Việt Nam hay thế giới mà chúng ta từng biết đến nhưng cách biểu hiện tiếng nói ấy lại dựa trên truyền thống văn hóa riêng; được ngân nga trong những giai điệu của thể loại truyện thơ với những triết lý riêng:
“Trên đời có nhiều loại người, nhiều tâm tính
Người nghèo hèn nhưng lòng dạ sáng trong

Phường gian ác tựa loài cầm thú cũng có
Loài nhai cỏ giống trâu ngựa dưới gầm sàn
Còn chịu khó làm việc giúp đỡ người khác
Đúng là loài vật dưới gầm trời còn có công
Vậy mà có người tính xấu hơn cả loài thú…”

       Không phải ngẫu nhiên mà các sáng tác văn học dân gian lại được nhiều nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu như thế. Bởi mỗi tác phẩm phản chiếu cả đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử của dân tộc đó. Và đối với đồng bào Thái, một dân tộc có bề dày lịch sử sinh sống lâu đời thì việc tìm hiểu những tác phẩm văn học dân gian như là chìa khóa để khám phá bản sắc văn hóa độc đáo, những tri thức quý báu mà người Thái góp nhặt từ ngàn xưa.
        Bạn đọc cũng như những người yêu thích văn nghệ dân gian hãy đọc và cảm nhận phần nào những giá trị mà văn học dân gian Thái đem lại qua “Truyện thơ nàng Cóc” của tác giả Lò Bình Minh.
        Sách đang được lưu giữ tại Kho Địa chí – Thư viện tỉnh Sơn La
         Trân trọng giới thiệu!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website thư viện tỉnh Sơn La?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,274
  • Tháng hiện tại135,738
  • Tổng lượt truy cập14,825,369
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây