HẬU PHƯƠNG CHIẾN TRANH NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)
Thư Viện Tỉnh Sơn La
2023-03-14T22:22:39-04:00
2023-03-14T22:22:39-04:00
https://thuviensonla.com.vn/Gioi-thieu-sach/hau-phuong-chien-tranh-nhan-dan-tinh-son-la-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-1945-1954-1279.html
https://thuviensonla.com.vn/uploads/news/2022_09/11.jpg
Thư viện tỉnh Sơn La - Thư viện điện tử số trực tuyến
https://thuviensonla.com.vn/uploads/logo.png
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kế thừa truyền thống chống xâm lăng, bảo vệ núi rừng, làng bản, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Sơn La và Ban cán sự các huyện, đồng bào các dân tộc Sơn La đã đứng lên đấu tranh, tiến hành kháng chiến thắng lợi. Một trong những nguyên nhân trực tiếp để cuộc kháng chiến thành công là quân và dân Sơn La đã chung sức, đồng lòng xây dựng căn cứ, khu du kích tạo nên hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Nhằm tái hiện lại quá trình xây dựng hậu phương chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Sơn La đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, sơ đồ hóa các căn cứ, khu du kích trên các mặt hoạt động và những đóng góp của khu căn cứ, khu du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn tỉnh Sơn La. Công trình nghiên cứu này đã được nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh và được in trong cuốn sách “Hậu phương chiến tranh nhân dân tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2022.
Với truyền thống đấu tranh yêu nước, thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sơn La đã xuất hiện các khu căn cứ như Khu căn cứ Mường Chanh, Chiềng Xôm. Sau khi Pháp quay trở lại xâm lược, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy Sơn La các khu căn cứ Mộc Hạ (Mộc Châu), căn cứ Vùng Mường, căn cứ 99 (Phù Yên), căn cứ cách mạng Việt Nam – Lào; Khu du kích ở các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La được thành lập, xây dựng đã từng bước phát triển lớn mạnh, góp phần không nhỏ vào việc tạo thời cơ đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hiện thắng lợi đường lối chiến tranh nhân dân.
“Từ thực tế phong trào cách mạng ở địa phương, Sơn La đã biết vận dụng khéo léo, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân và đường lối chính sách của Đảng vào một tỉnh miền núi. Trong chiến đấu ác liệt vô cùng gian khổ, cán bộ và nhân dân Sơn La đã được tôi luyện và trưởng thành, nhất là cán bộ địa phương đã thực sự làm nòng cốt cho phong trào vận động quần chúng, xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng” 1.
Đi sâu nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của các khu căn cứ, khu du kích trên địa bàn tỉnh Sơn La, tác phẩm đã nêu bật những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình tạo hậu phương tại chỗ cho cuộc đấu tranh của quân và dân Sơn La kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây không chỉ là nguồn tư liệu có ý nghĩa với địa phương Sơn La mà làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các căn cứ, khu du kích – Yếu tố tạo nên hậu phương chiến tranh nhân dân trên địa bàn Sơn La trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nay là di tích lịch sử đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Sơn La; ghi dấu những tấm gương anh dũng của đồng bào các dân tộc; giáo dục cho con cháu về truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ đi trước, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau. Thư viện tỉnh Sơn La trân trọng giới thiệu và mời các bạn yêu thích lịch sử gần xa tìm đọc và nghiên cứu “Hậu phương chiến tranh nhân dân tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)!
(1)Trích “Sơn La lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)” – Nxb. Quân đội Nhân dân,1995.