DI SẢN MÚA DÂN GIAN VÙNG TÂY BẮC
Thư Viện Tỉnh Sơn La
2023-07-07T05:02:52-04:00
2023-07-07T05:02:52-04:00
https://thuviensonla.com.vn/Gioi-thieu-sach/di-san-mua-dan-gian-vung-tay-bac-1335.html
https://thuviensonla.com.vn/uploads/news/2023_07/nhan222.jpg
Thư viện tỉnh Sơn La - Thư viện điện tử số trực tuyến
https://thuviensonla.com.vn/uploads/logo.png
Người Thái quan niệm "Không Xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa Xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. “Khi cầm tay nhau xòe trước thần linh, trước mo một (một người đại diện cho mọi người tiếp xúc với trời đất, thần linh) người ta vẫn rì rầm nói chuyện đời thường, tâm sự tìm bạn trăm năm. Ở đây cuộc sống đời thường của nhân dân lao động, những phút tâm linh và sự linh thiêng của nghi thức lễ hội luôn hòa quyện vào nhau nhuần nhụy…”
Người Khơ Mú kể về lai lịch cây Hưn Mạy và điệu múa Hưn Mạy mang nét đặc trưng cuộc sống sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp của cư dân người miền núi: “Từ thuở xa xưa khi con người biết kiếm cây, chặt tre nứa dựng nên mái nhà che nắng che mưa. Sau khi dựng xong nhà trai gái nhặt những đoan tre nứa dập, vỡ còn thừa đập vào gan bàn tay. Ống tre nứa phát ra những tiếng như tiếng gió đập vào miệng hang đá, tiếng thở của lá rừng. Một chàng trai khéo tay đã tiện, gọt những đoạn tre nứa chọn ở trong rừng làm thành ống Hưn Mạy. Chàng trai đem tặng cho người mình yêu ống Hưn Mạy và hai người đã sóng đôi vừa đánh Hưn vừa múa. Từ đó mà có điệu múa Hưn Mạy” …
Tây Bắc được ví là xứ sở của hoa ban, thơ ca, và những điệu múa. Nền nghệ thuật múa dân gian Tây Bắc bắt nguồn từ cuộc sống lao động, chiến đấu lâu dài và gian khổ để tồn tại và phát triển từ những quan sát đầy cảm xúc thế giới tự nhiên của đồng bào miền sơn cước. Cảm xúc thẩm mỹ do các điệu múa đem đến cho người múa và người xem cũng hồn nhiên dân dã như cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa đơn sơ mộc mạc:
“…Ý ơi!.. Má ới!
Mừng ăn tết họa mạ
Mừng ăn chá mâm cao
Ếch nhái mong mưa lớn
Người mừng cây trồng
Múa lên để người mường trời nhìn thấy
Múa lên để người dưới trần thấy vui…”
Nghệ thuật múa với ngôn ngữ đặc thù, không nói bằng lời hoặc thể hiện bằng chữ viết mà chủ yếu bằng động tác, cử chỉ của con người. Nội dung tư tưởng và hình hình thức của tác phẩm chỉ được bộc lộ ra một cách sáng rõ, đem đến cho người thưởng thức những cảm xúc thẩm mĩ thông qua sự biểu hiện bằng cử chỉ, động tác của thân thể người diễn. Cũng chính vì lẽ đó, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển các điệu múa dân gian nói chung và ở Tây Bắc nói riêng gặp nhiều khó khăn phức tạp. Phương thức sưu tầm múa trước đây chủ yếu là truyền điệu từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên tình trạng tam sao thất điệu, xê dịch; tình trạng sưu tầm mới chỉ dừng ở mức độ khai thác mà chưa có nghiên cứu một cách khoa học và toàn diện. Trong bối cảnh đó, công trình của hai nhà nghiên cứu Bùi Chí Thanh, Cầm Trọng tập hợp trong cuốn “Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc” là một trong những tư liệu quý giá đối với nền nghệ thuật múa dân gian, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của múa dân gian các dân tộc.
Cùng với việc tập hợp các điệu múa của các dân tộc ở Tây Bắc và hệ thống hóa Xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công trình cũng đã đưa ra góc nhìn khoa học từ nguồn gốc lịch sử, dân tộc học, nhân chủng học, các hội hè dân tộc, phong tục tập quán… có liên quan đến nghệ thuật múa; đã phân tích những chất liệu thực tế, để qua đó thăng hoa, làm nên một nền nghệ thuật múa dân gian. Gắn với mỗi điệu múa là những biểu hiện văn hóa của từng dân tộc được lý giải và làm sáng tỏ những triết lý, suy tư… trên con đường chinh phục thiên nhiên, chinh phục tri thức.
Đó còn là sự tái hiện cuộc sống của đồng bào miền núi bằng chất liệu nghệ thuật hình thể và âm nhạc đặc trưng đem đến cho người đọc những trải nghiệm ấn tượng như múa Tăng bu (Khơ Mú) mô phỏng tập quán chọc lỗ bỏ hạt, múa Tế rùa mô phỏng tài tình cảnh lặn ngụp tế rùa nước (Dao), múa chèo Thuyền - Nhùm hưa (Thái Trắng sông Đà), múa Khèn (Mông) biểu hiện niềm vui nỗi buồn; hay những câu chuyện văn hóa thú vị thể hiện triết lý sống, tình cảm, tâm hồn, khát vọng của con người đến cuộc sống tốt đẹp…
Bạn đọc mong muốn tìm hiểu nghệ thuật múa dân gian và trải nghiệm hòa mình vào những điệu xòe có thể tìm đến “Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc” tại kho Địa chí, Thư viện tỉnh Sơn La. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2018. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!