CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI
Thư Viện Tỉnh Sơn La
2021-03-16T06:00:13-04:00
2021-03-16T06:00:13-04:00
https://thuviensonla.com.vn/Gioi-thieu-sach/cau-chuyen-doi-toi-1165.html
https://thuviensonla.com.vn/uploads/news/2021_03/chi-nhan.jpg
Thư viện tỉnh Sơn La - Thư viện điện tử số trực tuyến
https://thuviensonla.com.vn/uploads/logo.png
“Ảnh hưởng của những tuyệt tác vĩ đại, đôi khi bền vững đến đáng kinh ngạc và sẽ đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời”. Điều này có lẽ được minh chứng rõ nét hơn với những ai từng được đọc tác phẩm tự truyện “Câu chuyện đời tôi” của Helen Keller. Câu chuyện kể về cuộc đời người phụ nữ vừa khiếm thị vừa khiếm thính nhưng được lấp đầy bởi nghị lực phi thường và tình yêu thương vô hạn mà trở nên vĩ đại. Bà vĩ đại, không chỉ bởi những thành tựu vượt trội của bản thân mà còn bởi bà đã thách thức giới hạn của sinh mệnh, phát huy được giá trị cuộc đời ở mức cao nhất.
Khi 19 tháng tuổi, một cơn bạo bệnh đã lấy đi của Helen ánh sáng và âm thanh, bà không thể nghe nói được và chẳng nhìn thấy điều gì, tâm hồn bà luôn gào thét trong im lặng: “Ánh sáng! Hãy cho tôi ánh sáng!”. (tr37). Cho đến năm 7 tuổi, Helen đã kết thúc chuỗi ngày tháng chứa đầy “những bóng đen của tù ngục” bằng ánh sáng của tình yêu. Và ánh sáng của tình yêu đó chính là cô giáo Anne Mansfield Sullivan. Chính cô Sullivan là người đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời, cùng cô học trò nhỏ viết nên những điều kỳ diệu cho chính Helen Keller cũng như cho cuộc sống. Helen thừa nhận: “Tôi cảm thấy cô giáo gần gũi với tôi đến nỗi tôi sợ hãi khi nghĩ tới việc phải rời xa cô...Tôi cảm thấy cô đã trở thành một phần của con người tôi, và những bước chân của cuộc đời tôi nằm trong những bước chân cô. Tất cả mọi tài năng, mơ ước hay niềm vui của tôi đều được tình yêu của cô đánh thức”(tr.51)
Triết lý giáo dục sâu sắc và đầy ý nghĩa trải dài trên những trang viết của Helen khiến cho chúng ta lắng mình suy ngẫm: “Tất cả mọi giáo viên đều có thể đưa một đứa trẻ đến trường nhưng không phải ai cũng có thể khiến nó học hành”(tr.51).Tài năng, sự cảm thông và sự tinh tế đầy yêu thương của cô Sullivan đã gợi mở và phát triển những khả năng tiềm tàng, thắp nên ngọn đuốc soi sáng cho cuộc đời của Helen. Suốt một thời gian dài, đứa trẻ đặc biệt Helen không có một bài học chính thức, dù học nghiêm túc nhất cũng như đang vui chơi. Cô giáo đã kiên nhẫn để học trò của mình được cảm nhận sự vật xung quanh, minh họa bằng những câu chuyện thú vị hay những bài thơ viết trên tay của Helen. Cô giải thích những khái niệm trừu tượng như suy nghĩ, tình yêu… bằng chính những hiện tượng thiên nhiên gần gũi nhất. Đó là một quá trình dạy học trực tiếp, sinh động, có mục đích, mở ra thế giới quan phong phú và niềm say mê khám phá cho tâm hồn đã từ lâu sống trong thinh lặng của cô bé Helen.
May mắn có được tình yêu thương và sự định hướng giáo dục đúng đắn nhưng “Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công danh thành tựu”. Bản thân Helen đã không ngừng nỗ lực học tập bằng tinh thần sẵn sàng tiếp thu và sự kiên định của mình. Bà coi sách như những người bạn, tha thiết được tự đọc và chiếm lĩnh tri thức qua những trang sách. Có thể nói đây chính là chìa khóa để bà bước đến những thành công trong cuộc đời.
Cho đến những trang cuối của tác phẩm chúng ta vẫn không khỏi nghẹn ngào như đang được Helen tâm sự: “Phải chăng cuộc đời khiếm khuyết của tôi đã chạm tới được nhiều điểm của cuộc sống mang vẻ đẹp nhân gian?... Tôi đã cố gắng biến ánh sáng trong mắt những người khác thành mặt trời của tôi, âm nhạc trong tai những người khác thành bản hòa tấu của tôi, nụ cười trên môi những người khác thành niềm hạnh phúc của tôi”.(tr.111)
Hành trình của một người bình thường đi đến thành công đã vô cùng khó khăn, đối với một người vừa khiếm thị, vừa khiếm thính như Helen lại càng khó khăn gấp trăm lần. Cuộc đời của Helen, đằng sau sự ngỡ ngàng, kinh ngạc có lẽ là một câu hỏi lớn: Bà đã làm thế nào để học đọc, học viết, học nói và trở thành cử nhân Havard, nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới? Câu hỏi ấy cứ thôi thúc chúng ta không rời mắt lắng nghe bà kể qua từng chương; hồi hộp sau từng thử thách rồi lại vui sướng cùng nhân vật mỗi khi thử thách ấy được phá vỡ.
Sáng tác bằng lối tự sự chân thật, dưới những lớp ngôn từ giàu cảm xúc và hình ảnh “Câu chuyện đời tôi” trở lại với bạn đọc qua bản dịch của Đàm Hưng đã thêm một lần nữa chiếm trọn trái tim bạn đọc. Những ảnh hưởng tích cực từ nội dung tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật ngôn từ độc đáo mang đến những áng văn chương đẹp bồi đắp tầm hồn và trí tuệ trẻ thơ. Đặc biệt diện mạo mới kết hợp nhiều hình minh họa đẹp mắt, kèm những chú giải chi tiết về thế giới quan được nhắc đến trong quá trình tự truyện là một gợi ý vô cùng ý nghĩa để khơi dậy niềm yêu thích đọc sách và khám phá tri thức.
Hy vọng rằng, mỗi trang sách “Câu chuyện đời tôi” được mở ra sẽ là một bài học thiết thực, mỗi trang sách khép lại về cuộc đời vĩ đại của tác giả sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi chúng ta trân trọng cuộc sống hơn, vượt qua giới hạn của bản thân để thành công hơn nữa.
Sách do nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành năm 2017. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguồn tin: www.sggp.org.vn/cau-chuyen-doi-toi-khi-khiem-khuyet-khong-ngan-duoc-su-vi-dai-473505.html