global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA DÂN TỘC DAO Ở SƠN LA

Thứ hai - 23/09/2013 22:09 2.221 0
 
Người Dao có nền văn hóa lịch sử lâu đời, tri thức dân gian phong phú. Họ không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hóa gọi là chữ nôm Dao
          Hiện nay ở Sơn La dân tộc Dao chiếm 1,82% với 16,088 người; Cư trú chủ yếu ở các vùng núi cao của các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu và Quỳnh Nhai. Người Dao ở Sơn La có 3 nhóm địa phương tên gọi là Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao đỏ; Giữa nhóm Dao này với nhóm Dao khác phân biệt chủ yếu qua trang phục đặc biệt là trang phục nữ. Trang phục của phụ nữ phong phú hơn trang phục nam giới, hiện nay vẫn lưu giữ được các nét hoa văn truyền thống đặc sắc.
          Người Dao sinh sống ở các vùng rẻo cao giữa đồi núi hoặc ven các thung lũng. Họ định cư thành các bản, mỗi bản đều có danh giới cụ thể, có tên gọi, có khu rừng, ruộng đất, có bãi tha ma, nguồn nước riêng. Các bản thường cấu trúc theo hình thức mật tập, mỗi bản có từ vài chục đến hàng trăm nóc nhà. Họ có ba loại hình nhà ở: Nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất và nhà đất trong đó loại hình nhà đất là chủ yếu. Nhà đất có vách làm bằng tre phù hợp với cuộc sống du canh du cư trước đây; Điều đặc biệt là 8 cột cái trong nhà được làm bằng những loại cây gỗ quý có tuổi ít nhất từ 80 - 90 năm. Nhà và bếp chung một cấu trúc, vách nứa ngăn một bên là bếp, bên còn lại là nhà. Nhà thường làm 3 gian, lòng rộng.
          Kinh tế của người Dao chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với kỹ thuật canh tác khá tiến bộ. Hình thức canh tác chủ yếu là nương dãy du canh du cư, ngày nay đồng bào đã sống định canh định cư và có canh tác ruộng nước, nghề trồng trọt, chăn nuôi khá phát triển; nghề dệt, thêu, in hoa văn sáp ong thủ công truyền thống rất tiêu biểu. Trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống kinh tế xã hội của người dân đã có sự thay đổi nhiều; Từ khi chuyển đổi cơ chế bao cấp, hợp tác xã  sang kinh tế hộ gia đình và thị trường thì các hộ gia đình tự lo sản xuất, trước hết là tự cung tự cấp thực phẩm sau đó mới trao đổi mua bán ở thị trường. Đời sống bà con ngày một ổn định và nâng cao.
          Người Dao có nền văn hóa lịch sử lâu đời, tri thức dân gian phong phú. Họ không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hóa gọi là chữ nôm Dao. Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ HMông – Dao. Trước đây những gia đình người Dao khá giả mới được đi học. Hiện nay chỉ còn một số già làng trưởng bản, trưởng dòng họ còn đọc, viết được chữ Dao. Tất cả luật tục, lễ cấp sắc, lễ giải hạn, sách dăn dạy con người làm điều lành, tránh điều ác…Đều được ghi lại thành văn tự được lưu truyền từ đời này qua đời khác với thể loại nội dung như: Sách văn học, sách tín ngưỡng tôn giáo, sách lịch sử và một số loại hình khác. Ở ngươì Dao còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc đó là thờ trên giấy dó. Hầu hết các gia đình  đều có bộ tranh thờ ông tổ người Dao. Hiện nay ở người Dao còn có tập quán cúng miếu làng, cúng tổ tiên dòng họ và lễ tết nhảy, mở cửa rừng, mở đầu vụ mùa sản xuất…Nghi lễ phổ biến nhất của ngươì Dao là lễ Cấp sắc ( Lễ lập tịch ) tất cả những người đàn ông dân tộc Dao đều phải trải qua nghi lễ này, thông thường người ta làm lễ cấp sắc cho con trai mình từ lúc 13-14 tuổi trở lên. Nghi lễ diễn ra rất thiêng liêng có thầy cúng và toàn thể bà con trong bản chứng kiến. Những chàng trai người Dao sau khi được cấp sắc coi như có quyền làm người lớn và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc của mình. Đối với nữ giới người Dao đỏ trước khi lấy chồng gia đình làm lễ cạo tóc bôi sáp ong, việc làm này được gia đình, dòng họ chứng kiến. Hàng năm vào ngày 14 tháng 2 tất cả chị em phụ nữ trong bản làm lễ gội đầu, vào ngày này họ không cho bất cứ người lạ vào bản, đây là một tập tục mà hiện nay chỉ có những người cao tuổi vẫn duy trì bảo lưu. Toàn bộ những tập quán giáo dục mang tính luật tục trên đã làm cho người Dao dù sống ở đâu cũng đều thật thà, chất phác, không ngại khổ, không làm những điều ác. Họ có tính cộng đồng cao, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giao lưu văn hoá, đảm bảo an ninh…
          Người Dao giỏi làm bếp, họ chế biến các món ăn ngon như: Canh bon, cá nướng, xôi nhuộm lá nhiều màu, rượu hoẵng…Họ rất mến khách, khi gia đình có khách quý đến thăm, ngoài những món như gà luộc, cá nướng… chủ nhà làm thêm món canh bon da trâu ( da bò), sắp đũa sơn son mời khách, như vậy họ đã thể hiện sự mến mộ người đến thăm nhà tựa khách quý. Đây là nét văn hóa đặc trưng truyền thống của người Dao hiện vẫn được bảo lưu.
          Trong gia đình người Dao thường có từ 3 - 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận. Với quan niệm một vợ một chồng, người đàn ông luôn giữ vai trò chủ gia đình. Nếu người chồng chết, người con trai lớn trong nhà đó lên thay vai trò chủ nhà; Trường hợp con còn nhỏ thì người mẹ làm chủ hộ, đến khi con trai đến tuổi trưởng thành sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ nhà. Tuy nhiên người Dao không quan niệm chủ nhà phải là huyết thống, trong trường hợp nhà không có con trai họ sẽ nhận con nuôi thay hoặc chọn rể đời để thừa kế như con đẻ. Gia đình người Dao không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, các gia đình đều mong muốn đông con nhiều cháu. Khi giải quyết những công việc hệ trọng trong gia đình đều có sự bàn bạc giữ vợ chồng cùng các con lớn tuổi, thậm chí còn xin ý kiến của những người lớn tuổi trong dòng họ. Do vậy gia đình người Dao sống rất tình cảm, luôn đoàn kết, hạnh phúc.
          Hiện nay người Dao còn bảo lưu một số dòng họ như: Họ Triệu, Lý, Đặng, Bàn. Tuy nhiên mỗi dòng họ lại có nhiều chi, sự phân biệt thứ bậc các thế hệ đàn ông trong dòng họ rõ ràng, mỗi dòng họ đều có một người đàn ông đứng đầu gọi là trưởng họ. Trong bản thường bầu ra một người có uy tín để làm trưởng bản, người đại diện dân bản thực hiện các mối quan hệ đối ngoại giữa bản này với bản khác hoặc trong vùng. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động cộng đồng như điều hành việc bảo vệ tài nguyên đất đai, duy trì các phong tục tập quán, luật tục, đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn dân làng sản xuất, đảm bảo nghĩa vụ của dân bản đối với bộ máy chức dịch cấp trên…
         Dân tộc Dao ở Sơn La hiện nay luôn giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng các dân tộc về việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng…Họ đã và đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc tô đậm màu thêm trong bức tranh văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.
 
 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Tân Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website thư viện tỉnh Sơn La?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại218,013
  • Tổng lượt truy cập15,302,476
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây