global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

LỊCH SỬ XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Thứ ba - 03/06/2014 21:35 1.390 0
           Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan.
             I. TRƯỚC NĂM 1884
             1. Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn đã xác lập và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa.
             Suốt trong ba thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của Nhà nước Việt Nam, Đội Hoàng Sa, là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập và thực thi chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa ra đời ở Cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
             Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép Đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên tạp lục (Lê Quý Đôn) viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của Đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết Đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng tám âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa thứ nhất (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.
             Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận Đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 -1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của Đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân.
           Dù ở thời chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra Đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, tức là vào đầu thời chúa Nguyễn. Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì Đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, đã cho biết năm 1786 năm Thái Đức thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng nên đến năm Gia Long thứ 2 (1803) mới cho Đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII đã ghi rõ: “Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Năm 1815, vua Gia Long sai Đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.
              Từ năm 1816, Gia Long bắt đầu cử Thủy quân cùng với Đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn toàn cho Đội Hoàng Sa lo kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân Cù Lao Ré vẫn tiếp tục đi biển, trong đó có vùng Hoàng Sa nhiều sản vật quý.
Vào thời Minh Mạng, như năm 1835, vẫn thấy Đội Hoàng Sa hỗ trợ Thủy quân đi công tác tại Hoàng Sa với đà công (lái thuyền) và dân phu. Thời Tự Đức, người ta không thấy biên niên sử còn chép các hoạt động của Đội Hoàng Sa, vì theo phàm lệ của Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thường không được chép nữa mà thôi. Những hoạt động của Đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Ngoài ra, có văn tế sống lính Đội Hoàng Sa thời vua Tự Đức còn lưu lại ở đảo Cù Lao Ré.
            Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm Đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ biên tạp lục, thì thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8, tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Như thế việc chọn thời gian hoạt động của Đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân.
           Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa.
         Riêng về nhiệm vụ do thám và bảo vệ vùng biển quần đảo Hoàng Sa nhằm chống lại nạn cướp biển thì đơn xin của phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 01 tháng 02 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã ghi rõ nhiệm vụ này. Ngoài ra, chức cai Đội Hoàng Sa kiêm chức cai cơ Thủ Ngự mà Thủ Ngự lại có nhiệm vụ do thám ngoài biển. Nhiều tài liệu cho biết cai Đội Hoàng Sa kiêm quản cai cơ Thủ Ngự như Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XXII ghi rõ: Võ Văn Phú được sai tái lập Đội Hoàng Sa, chính khi ấy là Thủ Ngự cửa biển Sa Kỳ.
            Như thế, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thuỷ trình, do thám trên quần đảo Hoàng Sa, nhất là trong thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.
Đội Hoàng Sa là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, quyển 3, thì lúc đó, có nhiều tổ chức tương tự như đội Thủ Ngự (đội coi về canh gác, ngăn chặn trộm cướp), đội Thổ Binh...
            Đứng đầu Đội Hoàng Sa là một “cai đội” những thành viên trong Đội được gọi là “lính”. Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do Vua ban.
            Thời chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa theo phép tuyển như trên, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn, số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như Đội Hoàng Sa. Cũng theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã gọi những người trong Đội Hoàng Sa là “dân binh” trong đó có 2 người bị trôi dạt vào Cảng Thanh Lan (Hải Nam) khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754), còn tám người khác bị mất tích. Như thế mỗi thuyền trong Đội Hoàng Sa có số lượng khoảng 10 người.
            Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ, còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi, (tương truyền do binh Đội Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa, ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.
            Tại Cù Lao Ré, nay là huyện đảo Lý Sơn, vẫn còn Âm Linh Tự, tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa. Đến ngày nay tại các nhà thờ tộc họ, các đình làng ở xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) vẫn còn tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính Đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong buổi tế sống lính Hoàng Sa đó, họ làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong họ đốt đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là “khao lề thế lính Hoàng Sa” còn gọi là “lễ tế sống lính Hoàng Sa” với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho lính Đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về. Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lễ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài văn khao lề thế lính Hoàng Sa, gồm một nửa chữ Hán, một nửa chữ Nôm.
             Với những nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kể trên, Đội Hoàng Sa thu lượm những hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu, song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ, người ta có thể dùng để dát các đồ dùng; có thứ đại mạo hay đại mội, tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn).
            Quan trọng nhất là các hàng hóa từ các tàu đắm mà Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, viết rằng hàng hoá thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ biên tạp lục thì ghi: Những sản vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ.
            Lê Quý Đôn, hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hóa, đã viết: “Tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy Đội Hoàng Sa, trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau:
              - Năm Nhâm Ngọ (1702), Đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.
              - Năm Giáp Tuất (1704), lượm được thiếc 5.100 cân.
              - Năm Ất Dậu, lượm được bạc 126 thoi.
              Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quí Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.
               2. Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn chống hải tặc và bảo vệ Biển Đông (1771 -1801)
            Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, từng khu vực có lực lượng hoặc do chúa Nguyễn, chúa Trịnh hoặc quân Tây Sơn làm chủ.
             Sau hơn 9 năm ngày vua Quang Trung mất, mặc dù lực lượng thủy quân Tây Sơn đã bị hao hụt nhiều, năm 1801, Jean Baptiste Chaigneau, kẻ tham dự trận đại thắng thủy chiến tiêu diệt hoàn toàn hạm đội Tây Sơn, đã viết thư cho Laurent Barizy (người Anh) ngày 02/3/1801, có nhận định về thủy quân Tây Sơn như sau: “Trước khi thấy được thủy quân địch, tôi vốn coi thường lực lượng này, nhưng tôi cam đoan với ông rằng đó là sai lầm, quân Tây Sơn đã có những chiến hạm trang bị 50 và 60 đại bác”. Theo mô tả của Barizy, nhà quân sự người Anh, trong lực lượng thủy quân Tây Sơn ít ra có 4 loại tàu thuyền và dĩ nhiên thời này chỉ chạy bằng buồm hoặc chèo. Song chưa thấy tài liệu nào cho biết các tàu thuyền Tây Sơn được bọc đồng theo kiểu Tây Phương hồi đó. Loại chiến hạm lớn có tới 600 hay 700 thủy thủ và trang bị 50 hay 60 đại bác nặng 24 cân Anh (livres); tuy chỉ có từ 5 đến 9 chiến hạm, song đã nói lên hỏa lực mạnh và lực lượng thủy quân đông đảo trên các chiến hạm của Tây Sơn. Chính vì vậy quân Tây Sơn thường có những quả đấm mạnh bằng thủy quân trong các cuộc tiến công vào đất Gia Định, nhất là sau chiến thắng quân Thanh, xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung chuẩn bị đóng chiến thuyền vào Nam đánh quân Nguyễn Ánh.
            Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Qui Nhơn rồi tiến lên phía Quảng Nam, kiểm soát bến Bình Sơn (Bến Ván), Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn), cái nôi của Đội Hoàng Sa, từ đầu thế kỷ XVII đã bắt đầu khai thác Biển Đông.
             Chỉ trong vài năm bị đình đốn, ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã làm đơn xin với chính quyền Tây Sơn được lập lại Đội Hoàng Sa và Quế Hương, sẵn sàng vượt biển ra các cù lao ngoài biển để làm nhiệm vụ theo thông lệ và sẵn sàng ứng chiến chống kẻ xâm phạm.
              Mãi đến năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế và từ đó mới có chính quyền Tây Sơn hoàn chỉnh. Năm Thái Đức thứ 9 (1786), ngày 14 tháng 2 (âm lịch) chính quyền Tây Sơn ra quyết định sai phái Hội Đức Hầu, cai Đội Hoàng Sa, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển ra thẳng Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển.
               Theo các tư liệu còn lưu lại cho thấy người phụ trách các tổ chức hoạt động ngoài biển là Thái phó, một chức quan lớn trong triều. Chính quyền Tây Sơn còn yêu cầu các thuyền của Đội Hoàng Sa phải mang biển hiệu thủy quân, song lại nhắc nhở không được lấy danh nghĩa thủy quân mà làm càn, bắt nạt dân làm muối, đánh cá.
           Các đội khai thác Biển Đông như Đội Hoàng Sa, Đội Quế Hương, Đội Đại Mạo, Hải Ba, Đội Quế Hương Hàm không những có nhiệm vụ kinh tế mà còn như lời hứa của dân Phường Cù Lao Ré, do Cai hợp Hà Liễu đứng tên, sẵn sàng ứng chiến với kẻ xâm phạm mỗi khi có truyền báo xảy ra chinh chiến.
             Riêng Đội Hoàng Sa, đứng đầu là cai đội hay đội trưởng, lại thường kiêm cai thủ cửa biển Sa Kỳ cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự. Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống hải tặc, cướp biển. Như thế, việc khai thác kinh tế biển luôn kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, chống cướp biển, bảo vệ Biển Đông.
            II. VỚI TƯ CÁCH ĐẠI DIỆN CHO VIỆT NAM VỀ ĐỐI NGOẠI, CỘNG HÒA PHÁP TIẾP TỤC KHẲNG ĐINH, QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA TRONG THỜI KỲ PHÁP THUỘC (1884 ĐẾN 1945).
            Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bức thư của lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp ngày 4/5/1909 nêu ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam đã viết: “Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 01/5/1909) về vấn đề các đảo Pratas, vấn đề này khiến chính phủ Trung Quốc chú ý đến các nhóm đảo khác nằm dọc bờ biển của Thiên Triều và tới một mức độ nhất định có thể được coi như một bộ phận của Thiên triều, trong đó có quần đảo Paracels”.
             Cũng trong thư trên đề ngày 4 tháng 5 năm 1909, lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp có một số nội dung đáng lưu ý sau đây:
           - Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas, Trung Quốc muốn bắt đầu chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam.
          - Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Đoàn Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò).
          - Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam.
         P.A. La Picque hồi năm 1909 đang cư trú ở Hồng Kông đã thuật lại cuộc khảo sát Hoàng Sa của chính quyền tỉnh Quảng Đông năm 1909 như sau: “Vào cuối tháng 5/1909, hai pháo hạm nhỏ ở Quảng Châu chuẩn bị ra khơi, trên tàu có hai người Đức thuộc Maison Carlwitz, ngoài ra còn có các thủy thủ Trung Quốc, trong đó hình như có một đô đốc “đường sông”, nếu như hạm đội nhỏ đó, nhờ có đất liền che chắn, đến được cảng Du Lâm, một cảng ở phía nam đảo Hải Nam một cách khá dễ dàng, thì nó vẫn bị nghẽn ở đó đến nửa tháng, chắc là để chờ ra khơi thì các đợt gió “Fong - sami” trở nên thuần lại và thường làm cho các nhà hàng hải dũng cảm đỡ say sóng”.
          “Cuối cùng, ngày 6 tháng 6 năm 1909 (tức là ngày 19 âm lịch) phái đoàn trông thấy một đảo trong quần đảo Paracel rồi thăm vài đảo, và đến ngày 7 tháng 6 năm 1909, lúc 4 giờ chiều, hai pháo hạm thẳng đường quay lại Quảng Châu như tờ báo Kono Che pao (tờ báo lớn nhất Quảng Châu) cho biết trong một bài báo ngày 20 tháng 6 năm 1909”.
           Năm 1925, theo Khâm Sứ Trung kỳ LeFol viết trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1926 gởi cho Toàn quyền Đông Dương, người Pháp bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của “vương quốc Việt Nam” tại quần đảo Hoàng Sa, trước khi cử ông Giám đốc Viện Hải dương học và Nghề cá ở Nha Trang - ông M.A. Krempt đi thám sát Hoàng Sa.
            Qua kết quả nghiên cứu tìm hiểu về Hoàng Sa, Khâm sứ Trung kỳ LeFol trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1929 gửi Toàn quyền Đông Dương cho biết: “Trong tác phẩm Géographie de la Cochinchine được dịch ra Tiếng Anh và đăng trong tạp chí Journal de la Société Asiatique de Bengale năm 1838, đức cha Jean Louis Taberd, giám mục Ismaropolis (Khâm Mạng tòa thánh tại Nam kỳ, Cao Miên và Champa) đã kể lại việc Hoàng đế Gia Long đã chiếm hữu quần đảo Paracels năm 1816 và long trọng kéo lá cờ Nam kỳ trên quần đảo. Việc chiếm hữu đó đã được các Biên niên sử của chính quyền An Nam hay Đại Nam nhất thống chí, Nam Việt địa dư tập 2 hay Địa dư nước An Nam, xuất bản năm thứ 14 đời Minh Mạng và cuối cùng “Đại Nam nhất thống chí” quyển 6 hay “Địa dư Duy Tân”; “các tài liệu trong kho lưu trữ của Chính phủ An Nam cung cấp cho ta những chi tiết về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của đội Hoàng Sa”.
               Và cũng chính trong bức thư kể trên, ông LeFol đã cho biết trước khi mất, ông Thân Trọng Huề, Thượng thư Bộ Binh của triều đình Huế đã viết một văn thư ngày 3 tháng 3 năm 1925 khẳng định rằng: “Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.
              Người Pháp cho rằng Hoàng Sa vốn đã thuộc chủ quyền Việt Nam, không cần một hành động chiếm hữu chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa nữa, nên Viện Hải dương học và Nghề cá Nha Trang (L'institut Océanographique de Nha Trang) đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên năm 1925 bởi tàu khảo sát kéo lưới Chalutier De Lanessan do M.A. Krempt, giám đốc, cùng các nhà khoa học như De La Cour, Jabouille.
             Các cuộc khảo sát chủ yếu nghiên cứu về những ám tiêu của các bãi ngầm ở Hoàng Sa. Từ đó tác giả đưa ra lập luận giải thích về sự hình thành các ám tiêu cùng với ảnh hưởng của gió mùa.
Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyển Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.
            Ngày 19 tháng 3 năm 1926, Thống đốc Nam kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat mới của Bắc kỳ.
             Trong thư ngày 20 tháng 3 năm 1930, Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp cũng đã xác nhận rằng: “Tôi hoàn toàn đồng ý với những người viết thư cho ông là cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhận danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. Câu này trong bản ghi chú cho Vụ Châu Á Đại Dương ngày 15 tháng 5 năm 1950, Cố vấn Pháp Luật Bộ Ngoại giao Pháp đã viết rất rõ: “Việc chiếm hữu quần đảo Spartley do Pháp tiến hành năm 1931 - 1932 là nhân danh Hoàng đế “An Nam”. Trong trường hợp này cái danh nghĩa duy nhất mà Pháp đòi hỏi ở đây là việc thực thi chủ quyền có từ trước, là những danh nghĩa của “An Nam”, và với tư cách là nước bảo hộ, chịu trách nhiệm về các quan hệ đối ngoại của “An Nam”, Pháp có thể sử dụng các quyền đó để chặn các nước thứ ba, và có thể nhận được xét xử quốc tế việc thừa nhận các quyền nói trên”. Nếu các quan hệ điều ước giữa Pháp và “An Nam” vẫn được xác định bởi Hiệp ước Bảo hộ được ký ở Huế ngày 6 tháng 6 năm 1884 thì về phương diện này không thể xuất hiện bất kỳ khó khăn nào; và chính phủ Pháp có quyền bằng cách hành động với danh nghĩa nước bảo hộ, thay mặt nước bị bảo hộ thi hành các thẩm quyền mà nước bị bảo hộ này không thể thi hành. Tại công văn số 704-A.ex, Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa báo cáo về lập trường của Phủ toàn quyền đối với việc chính quyền địa phương Quảng Đông đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa, trong đó nhấn mạnh việc thương lượng giữa Pháp với một chính quyền không có quyền hành gì ở miền Nam Trung Quốc là không thích hợp, và chắc chắn sẽ thất bại. Ngày 4 tháng 1 năm 1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ quán Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức Trọng tài quốc tế. Công hàm ngày 4 tháng 1 năm 1932 của Trung Quốc trả lời Công hàm của Pháp đã khước từ đề nghị giải quyết tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa bằng phương thức Trọng tài quốc tế. Trung Quốc lập luận rằng khi vua Gia Long chiếm hữu quần đảo ấy, Việt Nam là một nước chư hầu của Trung Quốc.
            Ngày 24 tháng 4 năm 1932, Chính phủ Pháp phản đối Chính phủ Trung Quốc về việc nhà cầm quyền Quảng Đông dự định cho đấu thầu khai thác phốt phát ở quẩn đảo Hoàng Sa. Ngày 29 tháng 9 năm 1932, Chính phủ Pháp đã có kháng nghị nêu rõ các danh nghĩa lịch sử và các bằng chứng về sự chiếm hữu của An Nam, sau đó là Pháp, đối với Hoàng Sa.
Ngày 18 tháng 2 năm 1937, một lần nữa, Pháp chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức Trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc lại khước từ. Ngày 26 tháng 11 năm 1937, Pháp phái kỹ sư trưởng công chính J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ và các điều kiện định cư ở quần đảo này.
            Năm 1938 Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) đặt ở đảo Hoàng Sa và số 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa.
           Ngày 30 tháng 3 năm 1938, Vua Bảo Đại ký dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi như các Triều trước.
            Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định số 156-S-V thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
          Tháng 6/1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa, với dòng chữ: “République Francaise - Royaume d'Annam - Archipels des Paracels 1816 - Ile de Pattle 1938”.
            Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đã rắp tâm biến các quần đảo trong Biển Đông trở thành bàn đạp để mở rộng sự chiếm đóng của mình xuống khu vực Đông Nam châu Á, ngày 31 tháng 3 năm 1939, Nhật tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu các quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
            Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị hành chính: “Croissant và các đảo phụ thuộc” , “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.
Ngày 26 tháng 11 năm 1943, Tuyên bố Cairo về việc kết thúc chiến tranh với Nhật và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước khác bị quân Nhật chiếm đóng: “Mục đích của 3 nước là Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm1914...”.
               Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương.
               Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Tuyên bố Posdam khẳng định “các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện”.
               Ngày 26 tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tác giả bài viết: H.H sưu tầm

Nguồn tin: UBND HUYỆN HOÀNG SA - Tạp chí Biển Việt Nam số 3, 4/2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn biết website thư viện tỉnh Sơn La từ nguồn nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay5,019
  • Tháng hiện tại135,611
  • Tổng lượt truy cập14,825,242
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây