global html
 
DANGKYTHECHON
           
                               
cuavuthuvien
  
Logo 1010 psd
 

CHÙM SÁCH VỀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Thứ hai - 12/05/2014 23:27 3.115 0

CHÙM SÁCH VỀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
 
 
 
 
           Từ nhiều năm nay, biển Đông đã thành vấn đề thời sự thu hút được quan tâm của dư luận trong nước cũng như quốc tế.
           Cuốn sách “Về vấn đề biển Đông” của TS. Nguyễn Ngọc Trường được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu, bao gồm các nội dung cơ bản, hệ thống và nổi bật về vấn đề biển Đông.
           Nội dung cuốn sách được chia thành ba phần chính: Phần thứ nhất: Biển Đông: khái quát về đặc điểm, tình hình Đông Nam Á và biển Đông. Phần thứ hai: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần này cung cấp cho bạn đọc những luận cứ lịch sử, pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền và quyền lợi biển của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
          Phần thứ ba: “Các nước lớn và ASEAN với biển Đông”. Tác giả trình bày quan điểm, hướng giải quyết vấn đề biển Đông của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và các nước trong khối ASEAN. Từ việc lựa chọn và chắt lọc nhiều nguồn thông tin tư liệu, tác giả đã làm rõ diễn biến chính sách của các bên, những quan điểm chiến lược, cũng như chiều hướng vận động mang tính quy luật trong chính sách của các nước lớn liên quan.
          Cuốn sách đưa ra một bức tranh chung phổ quát với những nội dung cơ bản, hệ thống và nổi bật về vấn đề biển Đông, quá trình lâu dài Việt Nam xác lập chủ quyền, kiểm soát và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
           Có thể xem cuốn sách này là một tài liệu cơ bản, sinh động về biển Đông và đó là đóng góp đáng nghi nhận của tác giả vào thư viện biển Đông.
 
www.cpv.org.vn
 
 
 
 
 
 
GIỚI THIỆU VỀ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM
 
 
           Nằm bên bờ Thái Bình Dương lộng gió, tựa vựng chắc vào bán đảo Đông Dương (Indochina), hướng thẳng ra biển Đông, trong suốt chiều dài lịch sử, biển đào luôn là một phần "máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam". Từ nghìn xưa, biển đảo đã gắn liền với đời sống và tầm thức của hầu hết các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong tiến trình phát triển của dân tộc, biển, đảo, luôn gắn liền với những mốc son lịch sử vẻ vang.
           Hiểu biết về biển, đảo quê hương, thấu hiểu những dấu ấn của biển, đảo trong lịch sử - văn hóa Việt Nam, cũng như nhận thức được vai trò, vị trí và ý nghĩa của biển, đảo trong thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta không chỉ là tri thức cần thiết, mà còn là nghĩa vụ, là lương tri để gây dựng lớp người Việt Nam hôm nay niềm tin tưởng sâu sắc và quyết tâm tiếp nối truyền thống của bao lớp ông cha đi trước, trong quá trình chiếm lĩnh, khai thác và bảo vệ biển, đảo quê hương, đưa Việt Nam nhanh chóng và đĩnh đạc hội nhập vào cộng đồng khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ hiện nay.
          Cuốn sách “Giới thiệu về biển, đảo Việt Nam” đã thâu tóm, bao quát, giới thiệu một số vấn đề chính liên quan đến biển, đảo Việt Nam, qua đó đem đến bạn đọc những tri thức cơ bản nhất về biển, đảo quê hương mà mỗi người Việt Nam hôm nay không thể không biết.
 
                                                                                                                 www.vinabook.com 
 
HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ MÁU THỊT VIỆT NAM
 

 
             “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam” - một cuốn sách có giá trị lịch sử, khoa học và pháp lý cao về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Có thể nói, đây là cuốn sách cần cho mọi người mọi nhà, cần cho hôm nay và mai sau!
             Cuốn sách được biên soạn công phu, tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: lịch sử, khảo cứu, đồ bản, địa lý, văn hóa… của các tác giả: Tiến sĩ Mai Hồng, Giáo sư Tiến sĩ Lê Trọng, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, nhà báo Văn Cường, nhà báo Hiệp Đức… tạo thành một hệ thống tư liệu, thư tịch phong phú, khoa học, chuẩn xác nhằm khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuyệt nhiên không nằm trong vùng “tranh chấp” giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.
            Chỉ cần đọc tên các bài trong sách: “Bản đồ Trung Quốc 1094 không có Hoàng Sa, Trường Sa” của Tiến Sĩ Mai Hồng; “Giá trị khoa học của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha; “Dư luận sau khi Tiến sĩ Mai Hồng trao tặng “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” của Tiến sĩ Đinh Công Vĩ; “Hoàng Sa và Trường Salà máu của máu Việt Nam là thịt của thịt Việt Nammãi mãi không thể cắt rời” cuả Tiến sĩ Đinh Công Vĩ; “Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc của thời các Chúa Nguyễn” của nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân; “Lý Sơn - đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa” của nhà báo Từ Khôi; “Các bản đồ, tài liệu của Trung Quốc tự nói lên Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” của Luật gia Bùi Phúc Hải hẳn quý đọc giả đã thấy được tính thuyết phục to lớn của tập sách thật giá trị này.
            Phần “Một số ảnh tư liệu khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát, sinh động mà rất rõ chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ lâu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là:
           - Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do các Hoàng đế nhà Thanh (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo xây dựng trong gần hai thế kỷ, được các giáo sỹ phương Tây đảm nhiệm kỹ thuật đo đạc, can vẽ, công bố năm 1904, thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước họ.
           - Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ đến đảo Hải Nam.
         - “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn, triều Minh Mạng (1820 - 1841) đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam).
         - “An Nam đại quốc họa đồ” (Đây là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh – Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.
         - “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương” (năm 1940): Đài ở Pattle (Hoàng Sa) và đài ở Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương.
         - Những “Châu bản triều Nguyễn” - nguồn sử liệu có giá trị (thể hiện chủ quyền từ lâu của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
         - Cửu đỉnh - Báu vật thời Nguyễn khẳng định chủ quyền biển đảo v.v…
         Căn cứ vào các nguồn sử liệu trên Gíáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của Việt Nam. Triều đình coi đấy là đất của mình và có trách nhiệm với đất của mình”; Gíáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được của đất nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.
         Có mặt trong Lễ bàn giao Bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (xuất bản năm 1904) cho Bảo tảng Lịch sử Quốc gia, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định:  “Bản đồ được xem là một trong những tư liệu lịch sử, cho nên việc sưu tập bản đồ là hết sức cần thiết trong công tác nghiên cứu nói chung, trong đó có những vấn đề liên quan đến chủ quyền. Chúng ta biết rằng, việc xây dựng được một tấm bản đồ chẳng hạn như Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” mang tính khoa học cao, do vậy cũng có tính thuyết phục rất cao”.
         Sẽ là thiếu sót nếu trong bài viết này không điểm qua các bài: “Lịch sử dạy ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng Sa – Trường Sa” của Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Trọng; “Những người nặng lòng với Biển Đảo quê hương” của nhà báo Văn Cường…
Trong Lời giới thiệu cho cuốn sách, Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
 
www.vinabook.com 

 

100 CÂU HỎI - ĐÁP VỀ BIỂN, ĐẢO
DÀNH CHO  TUỔI TRẺ VIỆT NAM
 
 

 
               Biển Việt Nam là một bộ phận không tách rời và chiếm vị trí trọng yếu trong bình đồ biển Đông - một khu vực địa lý giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn lợi ích liên quan đến các tranh chấp chủquyền biển, đảo phức tạp và kéo dài trong lịch sử. Biển gắn bó với bao thế hệ người Việt, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta, là chỗ dựa sinh kế cho hàng triệu người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Trong vùng “biển bạc”, mỗi hòn đảo không chỉ như những thỏi “vàng xanh” mà còn là một “cột mốc chủ quyền” tự nhiên của quốc gia. Biển thiêng liêng là vậy, vì thế bảo vệ và phát triển vì sự trường tồn của biển, đảo quê hương là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trước tiên, tuổi trẻ nước ta phải hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với những vấn đề biển, đảo nói chung và biển Đông nói riêng. Với những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, lớp trẻ Việt Nam hôm nay sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối trong toàn xã hội, thúc đẩy những hành động thiết thực vào trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương. Nhận thức được sứ mệnh và tính tiên phong của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hội nhập và phát triển đất nước, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho một số cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu Hỏi - Đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”.
           Cấu trúc cuốn sách gồm 03 phần: (1) Hỏi -Đáp về vị trí, vai trò và tiềm năng của  biển, đảo Việt Nam. (2) Hỏi - Đáp về các vấn đề liên quan đến các quyền và bảo vệ các quyền của Việt Nam trong Biển Đông. (3) Hỏi - Đáp về xây dựng và phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Cuốn sách là cẩm nang cần thiết, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh và sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của  biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:  “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tuổi trẻ Việt Nam cần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của công dân biển; hăng hái đi đầu trong  học tập, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về lĩnh vực biển ngang tầm với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. 
                                       www.vinabook.com 
 
 
GIỚI THIỆU VỀ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM
 


 
             Hiểu biết về biển, đảo quê hương, thấu hiểu những dấu ấn của biển, đảo trong lịch sử - văn hóa Việt Nam, cũng như nhận thức được vai trò, vị trí và ý nghĩa của biển, đảo trong thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một điều vô cùng cần thiết đối với mỗi người dân Việt Nam; gây dựng niềm tin ở thế hệ người Việt Nam hôm nay, quyết tâm tiếp nối truyền thống của bao lớp ông cha đi trước để gìn giữ và bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, đưa Việt Nam nhanh chóng và đĩnh đạc hội nhập vào cộng đồng khu vực và quốc tế.
             Cuốn sách “Giới thiệu về biển, đảo Việt Nam” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành đã thâu tóm, bao quát và giới thiệu một số vấn đề chính liên quan đến biển, đảo Việt Nam, giúp bạn đọc có được những tri thức cơ bản nhất về biển, đảo quê hương.   
 
DÂU ẤN VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG
 
 
  
            Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” do Tiến sĩ Trần Công Trục chủ biên đã khẳng định những chứng tích của Việt Nam trên biển Đông, góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là một cách khẳng định với thế giới về lập trường vững vàng cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước của nhân dân ta. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:
             - Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong biển Đông;
Việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa;
- Tranh chấp biển Đông: Thực trạng và giải pháp.
             Phần phụ lục gồm các văn bản chính thức của Nhà nước Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; các bài nghiên cứu về biển Đông của các nhà khoa học.
 
KỶ YẾU HOÀNG SA 
 
 
            Cuốn sách “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng phối hợp với các học giả, nhà sử học danh tiếng và các nhân chứng lịch sử biên soạn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2014. Nội dung cuốn sách gồm 04 phần chính: 
            Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam bắt đầu là bức ảnh bia chủ quyền ghi bằng chữ Pháp: Cộng hòa Pháp - Vương quốc Đại Nam. Quần đảo Hoàng Sa 1816. Tiếp theo, là trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”; Sau đó là hàng loạt tài liệu tổng hợp khẳng định vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sự có mặt của người dân và sự chiếm hữu lâu đời, liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
            Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa đã hệ thống lại các văn bản về quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa trước và sau năm 1975 trong đó có những văn bản quý hiếm, quan trọng lần đầu tiên được công bố nhằm khẳng định sự liên tục trong quá trình quản lý hành chính của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
           Đồng thời, còn giới thiệu 40 bức ảnh chọn lọc phản ánh sinh động hoạt động hướng về biển đảo quê hương của cán bộ, nhân dân huyện Hoàng Sa.
          Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử được xem là nội dung độc đáo của Kỷ yếu, thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi đã tập hợp được hình ảnh và bút tích của 24 nhân chứng lịch sử và đương đại từng sống, chiến đấu trên mảnh đất - vùng biển Hoàng Sa. Đây chính là những nhân chứng lịch sử tiêu biểu, là minh chứng xác thực, sinh động khẳng định chủ quyền và ý chí bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của nhân dân ta.
           Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa mộc mạc, chân tình và sâu lắng: “Hoàng Sa luôn trong trái tim tôi”, “Hoàng Sa và Trường Sa sẽ mãi thuộc về dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta”, “Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Hoàng Sa luôn ở trong tim và sẽ ở trong tay của dân tộc Việt Nam”,… 
           Ngoài ra, cuốn sách còn có 04 phụ lục gồm: 
- Tài liệu, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. 
- Quần đảo Hoàng Sa trong Châu bản triều Minh Mạng và Thiệu Trị. 
- 16 bản đồ Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ trước và sau 1975. 
- Một số bài báo và trang sách viết về Hoàng Sa.
 
CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VIỆT NAM TẠI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
VÀ TRƯỜNG SA QUA TƯ LIỆU VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI
 
 
 
 
            Cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài” do PGS.TS. Trương Minh Dục biên soạn; tập hợp và hệ thống nguồn thư tịch và tư liệu khá phong phú, cũ và mới của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là những tư liệu mới sưu tầm ở các địa phương được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ giao khai thác, quản lý và những tư liệu thu nhập ở nước ngoài. Đây là những tư liệu có giá trị lịch sử và pháp lý phục vụ cho việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đáp ứng được sự quan tâm, theo dõi của dư luận và quốc tế về những diễn biến phức tạp tại hai quần đảo và biển Đông. Nội dung cuốn sách bao gồm 04 phần chính và phần phụ lục:
           - Vài nét về địa lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự tiếp cận của các tộc người Việt Nam trước thế kỷ XV;
           - Chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ XV) đến năm 1975;
           - Tư liệu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa;
           - Đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ sau khi thống nhất đất nước đến nay;
           - Phần phụ lục gồm nhiều văn bản, bản đồ, tư liệu của Việt Nam và nước ngoài.
 
BIỂN, ĐẢO VÀ TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH
 
 
 
            Tác phẩm "Biển, đảo và tình yêu người lính" của Đại tá, Nhà báo, Nhà văn Bùi Văn Bồng gồm 38 bài thơ đặc sắc. Mỗi bài thơ là một cung điệu trong bản nhạc "hồn thiêng non nước" cùng tấu lên sự rung cảm, tấm lòng yêu của những người con đất Việt hướng về nơi đầu sóng ngọn gió. Tình đồng chí, đồng đội của người lính hải quân, tình yêu mênh mông sóng vỗ dạt dào hòa vào tình yêu đất nước.
            Dưới ngòi bút giàu xúc cảm của một người lính nhiều trải nghiệm, hình ảnh về cuộc sống và con người nơi biển, đảo hiện lên sống động, gần gũi, thân quen. Những khuôn mặt rám nắng, mặn mòi nắng biển, gió biển, những rung động con tim nơi đất liền cùng dòng máu, cùng nhịp đập "cứ ngân vang Tiếng nói Việt Nam"... Thơ Bùi Văn Bồng đẹp, giản dị, sâu sắc, "trải hết lòng cùng mênh mông biển biếc/ Nhạc và thơ tha thiết biển quê hương…".
           Hôm nay, ngày mai và cả tận sau này tình yêu về biển đảo và những người lính biển sẽ không bao giờ tắt mà như một ngọn đuốc vẫn bùng cháy mãnh liệt ngày đêm. Những câu chuyện cổ tích lại sẽ mở ra, tiếp nối và sâu đậm trong màu xanh lam của biển, trong những vần điệu của "Biển, đảo và tình yêu người lính" mãi mãi yêu thương…
 
enbac.com
 
CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
 
 
       Bộ sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam” gồm 20 cuốn giới thiệu những kiến thức cơ bản về Luật Biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển, đảo của Việt Nam; những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông, khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp; tuyên truyền ý nghĩa, nội dung, kết quả thực hiện các vấn đề pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.
           Bên cạnh đó, bộ sách còn giới thiệu đến bạn đọc những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của từng địa phương, các ngành và cả nước; vai trò của các thành phần kinh tế tham gia tích cực vào phát triển kinh tế biển đảo; tiềm năng phát triển về du lịch biển đảo, những hòn đảo du lịch nổi tiếng, các ngọn hải đăng cổ kính và những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam.
           Bộ sách còn có những trang viết về chuyện tình những người lính biển, biển trong văn hóa của người Việt, về Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, con đường Hồ Chí Minh trên biển,…
          Hy vọng bộ sách này sẽ là nguồn tư liệu quý cho bạn đọc khi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam.
      www.baomoi.com

Tác giả bài viết: Thúy Hồng sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH VỚI: CHỦ ĐỀ SÁCH CHO TÔI CHO BẠN, HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023
Danh mục
Đọc và suy ngẫm
Danh Mục
Thăm dò ý kiến

Bạn biết website thư viện tỉnh Sơn La từ nguồn nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay5,019
  • Tháng hiện tại134,392
  • Tổng lượt truy cập14,824,023
CHUYÊN MỤC SÁCH BÁO VỚI CUỘC SỐNG: Trường Sa - Hoàng Sa trong tâm thức người Việt
LIÊN KẾT THƯ VIỆN CÁC TỈNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây