Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn thể hiện ở chỗ đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 |
Châu bản triều Nguyễn trưng bày tại Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam -
Những bằng chúng lịch sử” tại Thái Nguyên cuối năm 2013. |
Ngày 14/5 vừa qua, tại Hội nghị toàn thể tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc), UNESCO đã chính thức công nhận khối Châu bản triều Nguyễn là "Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương" năm 2014.
Tính xác thực, độc đáo, duy nhất, giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực cũng như quốc tế đã được các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao.
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945). Châu bản bao gồm các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực son. Thông qua đó, nhà vua truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Vì vậy có thể nói Châu bản triều Nguyễn phản ánh toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn là: Châu bản là các văn kiện có tính pháp lý cao nhất, chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Châu bản triều Nguyễn, có nhiều tài liệu có nội dung về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Có những văn bản trực tiếp nhưng cũng có văn bản gián tiếp liên quan đến việc nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa hoặc bút phê việc khen thưởng những người có công với Hoàng Sa, Trường Sa… Các tờ Châu bản có nội dung khẳng định nhà Nguyễn đã quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có hệ thống quản lý hành chính Nhà nước ở đây, đồng thời có nhiều tài liệu về việc phái các đội đi Hoàng Sa, Trường Sa khảo sát và lập các bản đồ, tài liệu… Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, khi Châu bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, thì tính pháp lý của các tư liệu này càng được nâng cao hơn.
Hiện nay, toàn bộ hơn 700 Châu bản được lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Số lượng Châu bản này chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng Châu bản của 143 năm các triều vua Nguyễn. Đây là khối tài liệu chứa đựng nhiều thông tin đa dạng, độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ mọi mặt các vấn đề của xã hội dưới triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đây còn là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu…
Để phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của Châu bản triều Nguyễn, ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cho rằng cần tập trung làm tốt việc tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa đặc biệt của di sản quý giá này.
Chẳng hạn, lập đề án công bố Châu bản triều Nguyễn rộng rãi trong khu vực và thế giới; chọn lọc ra những vấn đề, chủ đề khác nhau, lựa chọn các châu bản về chủ đề ấy (chủ quyền quốc gia, giáo dục, thương mại, bang giao, tín ngưỡng, quân sự, sản xuất nông nghiệp...); xây dựng các chương trình giới thiệu Châu bản triều Nguyễn trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các video phát trên kênh truyền hình đối ngoại..