Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi người đều phải học tập. Vậy cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó là một câu hỏi và cũng là một vấn đề lớn có liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả một dân tộc. Cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” của tác giả Sara Imas là bà mẹ đơn thân gốc người Do Thái nhưng sinh ra và lớn lên tại Thượng Hải. Nội dung cuốn sách bao gồm 5 chương như: Yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng; Trì hoãn sự thỏa mãn trên danh nghĩa của tình yêu; Cha mẹ nhẫn tâm để yêu thương con sâu đậm… viết về cách nuôi dạy con của người Do Thái và bài học về tình yêu thương đặt đúng chỗ. Nhờ phương pháp giáo dục “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” mà các con của bà đều trưởng thành và thành công. Điều quan trọng hơn hết mà bà nhận ra được là bà đã dùng đúng chiếc chìa khóa thần kỳ để mở ra những “thiên tài” ẩn sâu trong từng người con của mình.

Với lối kể chuyện tự nhiên, chân thật nhưng vẫn nồng đượm tình yêu thương, sự chân thành có sự đan xen, hòa quyện của hai nền văn hóa, hai nét đặc trưng của hai dân tộc hoàn toàn đối lập và cũng xuất phát từ chính sự bất ổn trong cách quá yêu chiều, bao bọc, nâng niu đến tôn thờ con của người Thượng Hải đã vô tình làm con mắc tâm lý mình là đặc biệt, là duy nhất, muốn gì được lấy. Vậy nên, bà quyết định mang 3 đứa con thơ trở về quê hương Do Thái, trong tình cảnh chiến tranh, bom đạn, để con được sống và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhất, thê thảm nhất, rèn luyện cho các con bản tính tự lập, mạnh mẽ và vượt lên trên tất cả những khó khăn, tự thân lập nghiệp. Bằng cách giáo dục này khiến không ít người cho rằng đây là cách giáo dục khá tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã khiến họ mở thêm một tầm nhìn mới về cách yêu thương con cái.
Điểm mấu chốt trong phương pháp dạy con của Sara Imas cũng như người Do Thái nói chung là bồi dưỡng kỹ năng để sinh tồn, kiếm tiền và quản lý tài sản cho con. Điều này không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay “thần giữ của”. Ngược lại, họ coi “giáo dục quản lý tài sản” cũng là một cách “giáo dục đạo đức” hay “giáo dục nhân cách”. Như một tuyên ngôn sống, bà đúc kết: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!”.
Sách do Nhà xuất bản Dân trí phát hành năm 2016.
Thư viện tỉnh Sơn La xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!