
(Nguồn ảnh: http://www.nhandan.com.vn)
Dẫn người đọc đi qua nghìn năm lịch sử của sách giấy, hai học giả Jean-Claude Carrière và Umberto Eco đã có cuộc đối thoại vừa uyên bác vừa hài hước, chứa đựng các giai thoại gây tò mò và hấp dẫn trong Đừng mơ từ bỏ sách giấy. Các tác giả để người thực xen lẫn với nhân vật hư cấu, phân tích niềm đam mê của nhà sưu tập, lý giải nguyên nhân vì sao một thời đại nào đó lại sản sinh ra những kiệt tác, cách vận hành của trí nhớ và cách phân loại tủ sách...
Có thể nói, hiện nay sách giấy giảm tỷ phần phát hành nhưng số lượng vẫn chiếm ưu thế so với sách điện tử; đồng nghĩa với số lượng độc giả quan tâm đến sách giấy vẫn còn nhiều. Trên thực tế, sách điện tử phát triển theo sự phát triển chung của công nghệ điện tử nhưng không thay thế hoàn toàn sách giấy. Sách giấy tồn tại vì một số tố chất riêng. Umberto Eco lập luận trong tác phẩm của mình: “Hãy thử đọc một cuốn tiểu thuyết trên máy vi tính trong vòng hai giờ đồng hồ, đôi mắt của bạn sẽ trở thành hai quả bóng tennis. Tôi có cặp kính Polaroid để bảo vệ mắt khỏi những tác hại của việc đọc liên tục trên màn hình. Thế nhưng máy vi tính phụ thuộc vào điện và bạn không thể đọc khi đang ở trong bồn tắm, hay khi nằm nghiêng trên giường. Do đó, sách in là một công cụ linh hoạt hơn cả”.
Hơn nữa, việc sở hữu một khối lượng sách điện tử chẳng khiến người mê sách có được cái cảm giác vui thú khi lang thang trong các nhà sách, dạo quanh các kệ sách hàng giờ đồng hồ chỉ để đọc vài trang sách hay hoặc tìm mua vài tựa sách ưng ý. Là những người yêu sách, chuyên sưu tập sách cổ và hiếm, nghiên cứu và săn lùng các bản in cổ, kinh nghiệm của bản thân khiến Jean-Claude Carrière và Umberto Eco cho rằng, sách cũng giống như bánh xe, nhưng là “bánh xe của tri thức và của trí tưởng tượng” mà các cuộc cách mạng công nghệ đáng gờm đã và đang diễn ra sẽ không bao giờ ngăn chặn được. Khi Umberto Eco đưa ra câu hỏi: “Liệu sách giấy có biến mất do internet xuất hiện không?”, ông “không thể làm gì khác ngoài việc viết lại cùng một bài giống nhau”, rằng sẽ xảy ra một trong hai điều: hoặc sách in vẫn là công cụ hỗ trợ việc đọc, hoặc sẽ xuất hiện một thứ gì đó giống sách từ xưa đến nay, ngay cả trước khi phát minh ra công nghệ in. “Từ hơn 500 năm nay, các biến thể của sách không hề làm thay đổi chức năng, cũng như cú pháp. Cuốn sách cũng giống như cái thìa, cái búa, bánh xe hay cái kéo. Một khi đã phát minh ra chúng rồi, bạn không thể làm tốt hơn được nữa”...
Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ tại tọa đàm Trang sách và màn hình thời internet nhân dịp xuất bản cuốn Đừng mơ từ bỏ sách giấy bằng tiếng Việt, ông có cảm giác sách giấy sẽ không mất đi, mặc dù trên thực tế đã có những biến chuyển như sự mất đi thói quen viết thư tay. Ông thực sự tiếc nuối khi thấy một số thói quen sưu tầm và sử dụng sách khi xưa đã không còn. Nhưng “cảm giác cầm một cuốn sách trên tay, mân mê từng trang giấy, nghiền ngẫm từng câu chữ và chìm đắm trong thế giới huyền diệu của các câu chuyện trong đó thì sách điện tử không thể thay thế”.
Có thể internet và sách điện tử làm chậm tiến trình phát triển của ngành in ấn trong một thời gian, và có lẽ chúng thu hút được một lượng đông đảo độc giả hơn. Song những ai quan tâm tới việc đọc chắc chắn vẫn còn muốn có được cảm giác xúc động với tâm tư, tình cảm của người viết ra nó, được cảm nhận hơi ấm từ những cuốn sách; cùng với đó là những trải nghiệm đầy trí tuệ, cảm xúc và tinh thần mà sách in mang lại. Đọc sách không hề nhàm chán, như Jean-Claude Carrière đã nói: “Một cuốn sách có giá trị luôn luôn sống, nó lớn lên và già đi cùng với chúng ta, nhưng không bao giờ chết. Thời gian bồi đắp thêm cho nó, thay đổi nó, còn các tác phẩm không đáng quan tâm thì trượt theo bên cạnh lịch sử và lịm dần”.
Tác giả bài viết: Hương Sen
Nguồn tin: www.daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc